Biện pháp nào hạn chế thuốc lá thế hệ mới nhập lậu? |
Việt Nam có mức tiêu thụ thuốc lá cao
Việt Nam hiện vẫn là một trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới. Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình TLTHM đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ. Dựa vào nhu cầu của người dùng trong nước, các sản phẩm được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc nhập khẩu theo đường xách tay. Tình trạng nhập lậu ngày càng đáng báo động trong khi các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vì sản phẩm TLTHM chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xử.
Chia sẻ tại toạ đàm về “Quản lý TLTHM - Cần góc nhìn mới" tổ chức chiều 7/1, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc là bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ban hành 2012. Vào thời điểm ban hành Luật, chưa có TLTHM tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật. Nhưng điều này không có nghĩa Luật phòng, chống tác hại thuốc lá không áp dụng được cho những sản phẩm TLTHM tại thời điểm hiện nay.
Quản lý thị trường khám xét kho kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử lậu |
Trước đó, tại phiên họp các bên lần thứ 8 (COP8) về Kiểm soát Thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá làm nóng- một trong những sản phẩm TLTHM, là sản phẩm thuốc lá và kêu gọi các nước quản lý theo Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia. “Do WHO đã chính thức công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá, do vậy việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào là phù hợp” – bà Liên thông tin thêm.
Kiểm soát thuốc lá thế hệ mới
Nhận định việc quản lý TLTHM là cần thiết, ông Vũ Đức Nam - Phó Phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)- cho biết: Trong 4 năm qua, Bộ Công Thương đã cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện các bước để xây dựng chính sách quản lý đối với TLTHM; trong đó bao gồm các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Hiện, Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình TLTHM, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo đó, trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc đề xuất thì điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng- ông Nam cho hay.
Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy Ban thường vụ Quốc hội- cho biết: Nhu cầu về khung pháp lý nhằm kiểm soát những sản phẩm TLTHM rất cấp thiết, nhằm giúp cho các cơ quan ban ngành chức năng có đủ công cụ để chế tài, xử phạt nghiêm minh các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, chính sách quản lý phù hợp các sản phẩm TLTHM vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng lại chưa được áp dụng một cách triệt để.
Tọa đàm “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới” tại Hà Nội |
Trước thực tiễn cấp thiết như hiện nay, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, “chúng ta cần khẩn trương đưa ra lộ trình thích hợp để có thể đẩy nhanh tiến trình quản lý”. Việc sớm đưa các sản phẩm TLTHM chịu sự kiểm soát của Chính phủ, chế tài của Luật pháp chính là góp phần chống lại việc bình thường hóa sử dụng mọi loại sản phẩm thuốc lá cũng như ngăn chặn tình trạng phạm tội ngày càng tăng của những tổ chức, cá nhân buôn lậu. Đồng thời, “với sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan, rất mong các đề xuất quản lý trong thời gian tới sẽ sớm có quyết định”- ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp thực phẩm, Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam- cho hay: Từ năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia có chính sách và biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá làm nóng như các sản phẩm thuốc lá điếu, căn cứu các điều trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Trong báo cáo năm 2021, WHO cũng khuyến cáo các sản phẩm mới, kể cả thuốc lá điện tử, cần được đưa vào phương pháp tiếp cận toàn diện để kiểm soát thuốc lá.
Những khuyến cáo của WHO và các biện pháp quản lý của Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu có tác động mạnh mẽ đến xu hướng quản lý các sản phẩm TLTHM hiện nay- ông Lê Thành Hưng thông tin.
Việc thiếu chính sách quản lý tồn tại nhiều năm qua đã và đang gây ra những tổn thất, phương hại về mặt kinh tế và xã hội. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận sâu về chính sách quản lý đối với TLTHM, cách tiếp cận mới phù hợp với các bên liên quan và thực tiễn xã hội ở Việt Nam nhằm góp thêm góc nhìn để tham mưu cho Bộ Công Thương về chính sách quản lý đối với sản phẩm này nhằm kiểm soát, góp phần phòng chống và giảm tác hại thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cho người dân, lành mạnh thị trưởng và tránh thất thu cho Nhà nước.