Bảo đảm chất lượng sản phẩm
Tại phiên họp hội đồng khoa học - công nghệ (KHCN) cấp cơ sở đánh giá, nghiệm thu dự án do Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, TS. Dương Văn Long - Chủ nhiệm dự án - cho biết, để đáp ứng chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều nhà máy nhiệt điện được đầu tư xây dựng mới theo Quy hoạch điện VII, với gam công suất tổ máy của các nhà máy nhiệt điện được lựa chọn 300 MW hoặc 600 MW.
Chế tạo thành công thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện |
Trong các nhà máy nhiệt điện này bắt buộc phải trang bị thiết bị LBTĐ để đảm bảo an toàn môi trường về phát thải bụi. Nếu làm chủ được công nghệ tính toán thiết kế, cũng như công nghệ chế tạo LBTĐ sẽ mở ra cơ hội cho nhà thiết kế chế tạo trong nước tham gia vào những dự án đầu tư xây dựng mới nhà máy nhiệt điện, kể cả công tác đại tu sửa chữa thiết bị LBTĐ trong các nhà máy đang hoạt động.
Theo đó, mục tiêu của dự án là làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo thiết bị LBTĐ; đồng thời, bảo đảm chất lượng sản phẩm thiết bị LBTĐ sản xuất trong nước phải tương đương tiêu chuẩn châu Âu, hoàn toàn thay thế được sản phẩm tương tự ngoại nhập và cạnh tranh về giá thành.
Qua quá trình thực hiện, dự án đã thu được các kết quả: Làm chủ được phương pháp tính toán thông số công nghệ và thông số cấu tạo thiết bị LBTĐ; làm chủ phương pháp tính toán kiểm bền khung buồng lọc với việc sử dụng phần mềm tính toán mô phỏng; xây dựng được bộ hồ sơ thiết kế LBTĐ đủ tiêu chuẩn chuyển sang công tác chế tạo; làm chủ công nghệ chế tạo điện cực lắng, điện cực phóng, hệ thống búa gõ rũ bụi.
Bên cạnh đó, xây dựng được nhà xưởng và trang thiết bị chủ yếu bảo đảm triển khai dự án cũng như các dự án thực tế khác có trong tương lai; xây dựng bộ quy trình bảo đảm chất lượng sản phẩm chế tạo bằng năng lực trong nước; làm chủ được công tác chạy thử và đưa vào vận hành thương mại LBTĐ; hình thành nhóm cán bộ KHCN có khả năng tính toán thiết kế, kiểm soát chất lượng chế tạo LBTĐ cũng như công tác tổ chức thực hiện cung cấp LBTĐ cho dự án thực tế theo mô hình quản lý dự án của thế giới…
Tỷ lệ nội địa hóa trên 94%
TS. Dương Văn Long khẳng định, trong quá trình thực hiện, dự án đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là Bộ Công Thương (đại diện là Vụ Khoa học và Công nghệ). Đến nay, dự án đã hoàn thành các nội dung về KHCN và ứng dụng sản phẩm vào thực tế như đã đăng ký trong thuyết minh dự án sản xuất thử nghiệm được phê duyệt. Việc làm chủ công tác thiết kế, chế tạo, kiểm soát chất lượng cho phép nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị LBTĐ. Các sản phẩm chế tạo thực hiện bởi năng lực trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 94% về khối lượng. Điều này cho phép giảm giá thành chế tạo 10 - 15% so với sản phẩm tương đương nhập ngoại. Do đó, bước đầu đáp ứng được chủ trương nội địa hóa thiết bị của Chính phủ, góp phần giảm nhập siêu.
Bên cạnh đó, việc tham gia trực tiếp vào một dự án thực tế có quản lý, phê duyệt công nghệ của chuyên gia nước ngoài giúp cho nhân sự KHCN nâng cao được năng lực chuyên môn; chuẩn hóa phương pháp vận hành theo trình độ chung của thế giới.
Ngoài ra, nhờ việc thực hiện công tác chế tạo với khối lượng lớn tại các nhà máy trong nước giúp hình thành mối liên kết giữa nhóm nghiên cứu thiết kế với nhóm sản xuất.
Các kết quả của dự án có thể đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp. Chất lượng và giá thành LBTĐ của dự án hoàn toàn cạnh tranh với sản phẩm tương tự có xuất xứ châu Âu, G7, Hàn Quốc và Trung Quốc. |