Theo Bộ Tài chính, tình hình tái cơ cấu DNNN sau 11 tháng của năm 2016 đã đạt một số kết quả nhất định. Cụ thể, tính đến ngày 20/11/2016, đã có 56 DN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có 6 tổng công ty nhà nước với tổng giá trị thực tế của 56 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 24.390 tỷ đồng. Vốn điều lệ là 24.379 tỷ đồng, trong đó, nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, lũy kế 11 tháng, các đơn vị đã thoái được 3.558 tỷ đồng, thu về 6.569 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở DN khác 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng; thoái vốn ở Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thực hiện bán vốn tại 59 DN với giá trị 1.489 tỷ đồng, thu về 3.844 tỷ đồng.
Trong tháng 12/2016, cơ quan này sẽ hoàn thiện cơ chế, thể chế chính sách về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế các Nghị định nêu trên làm cơ sở pháp lý để thực hiện CPH trong giai đoạn 2016-2020 theo hướng phù hợp với đối tượng CPH và yêu cầu giai đoạn mới, đồng thời tiếp tục gắn kết quá trình CPH với việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động... Các cơ chế chính sách cũng bảo đảm cho các nhà đầu tư sau khi mua cổ phần lần đầu sẽ được thực hiện giao dịch trên thị trường; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia trong quá trình CPH.
CPH DNNN là chủ trương đúng đắn của nhà nước khi các DN thuộc sở hữu của nhà nước được giao cho tư nhân làm, phát huy tối đa hiệu quả cũng như tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, để CPH hoàn thành đúng tiến độ đặt ra, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý là vô cùng cấp thiết. |