Hai Công trình đường dây 110kV cấp điện cho Tổ hợp hóa dầu miền Nam có tổng vốn đầu tư 191 tỷ đồng, toàn tuyến dài gần 8 km với 2 mạch dây. Đây là nguồn cung cấp điện huyết mạch cho Tổ hợp Hóa dầu miền Nam - Tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vận hành an toàn và đáp ứng yêu cầu bảo vệ mội trường.
Chính thức hoàn thành đường dâu 110kV đấu nối Long Sơn. Ảnh/Thế Vĩnh |
Ông Lâm Xuân Tuấn - Phó Tổng Giám đốc EVN SPC - cho biết, Công trình đã được Bộ Công Thương giao EVN SPC làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 là đơn vị thi công và khởi công từ tháng 11/2020. Trong quá trình xây dựng dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện và áp lực cấp điện đồng bộ với những hạng mục khác của Tổ hợp Hóa dầu miền Nam. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án xây dựng Tổ hợp Hoá dầu miền Nam, ngành điện lực miền Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn và hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Theo ông Bùi Đức Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công trình đường dây 110kV cấp điện cho Tổ hợp Hóa dầu miền Nam ảnh hưởng khá lớn đến đời sống kinh tế của người dân xã Long Sơn, trong đó có yếu tố mặt bằng đất. Tuy nhiên, với sự vận động của các cấp chính quyền, người dân đều nhất trí hợp tác giúp cho công trình xây dựng an toàn và hoàn thành đúng tiến độ.
Điểm cuối đường dây 110kV nối với trạm biến áp của Tổ hợp Hoá dầu miền Nam. Ảnh/Thế Vĩnh |
Ông Bình Đức Bình cho biết, Long Sơn là xã đảo của TP. Vũng Tàu, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản và còn rất nhiều khó khăn. Khi ngành điện lực miền Nam hoàn thành đường dây cung cấp điện sẽ góp phần cho Tổ hợp Hoá dầu miền Nam sớm đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Trong đó sẽ có nhiều ngành nghề, dịch vụ phát triển và điều dễ nhận thấy là có ít nhất 5.000 - 6.000 người/16.000 người của xã Long Sơn có việc làm từ Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam là công trình trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng năm 2018 và sẽ hoàn thành năm 2022. Theo ông Cholanat Yanaranop - Chủ tịch ngành hóa dầu SCG (SCG Chemicals), đại diện của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam này có công suất sản xuất olefin đạt tới 1,6 triệu tấn/năm. Dự án sẽ sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác với công suất hơn 2,3 triệu tấn/ năm.
Chưa hết, đến năm 2023, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam dự kiến sẽ hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa và tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu. Đây cũng là nền tảng cho những đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn và các ngành công nghiệp liên quan.
Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam sau khi vận hành sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động và góp phần lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác giúp cho kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Đây là cơ sở để ngân sách hàng năm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến có thêm khoảng 60 triệu USD và thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao.