Còn nhiều thách thức
Theo số liệu từ Kiểm toán nhà nước, năm 2022, đơn vị đã kiểm toán các dự án có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực miền núi phía Bắc…
Qua tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều sai sót. Điển hình như: Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư tại nhiều dự án còn chưa đầy đủ nội dung; chưa xác định rõ nguồn vốn, mức vốn và khả năng cân đối hoặc xác định nguồn vốn không phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư thiếu cơ sở, chưa chính xác; điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn chưa đúng quy trình…
Cũng qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cung cấp thông tin quan trọng và đáng tin cậy cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, công chúng nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước; phục vụ đắc lực hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và các địa phương.
Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán dự án đầu tư xây dựng |
Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng vẫn còn nhiều thách thức lớn. Là đơn vị từng kiểm toán nhiều dự án trọng điểm, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV Trần Trí Thành cho biết, số lượng văn bản quản lý về lĩnh vực đầu tư xây dựng rất lớn và thường xuyên thay đổi, điều chỉnh. Công tác kiểm toán vừa qua chủ yếu là hậu kiểm, dựa trên hồ sơ tài liệu hoàn công do đơn vị cung cấp nên rất khó phát hiện tồn tại bất cập về chi phí, chất lượng công trình…
Phụ trách kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, Kiểm toán viên Phạm Văn Hùng (Kiểm toán nhà nước khu vực V) cho biết, việc cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đoàn kiểm toán còn chậm; thông tin, số liệu báo cáo tại thời điểm khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch kiểm toán khác với số liệu tại thời điểm kiểm toán đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng cuộc kiểm toán; ngoài ra, hệ thống văn bản hướng dẫn kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng còn thiếu... Do vậy, việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Qua thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV chia sẻ, để nâng cao khả năng phát hiện, cũng như kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh vi phạm, các đơn vị kiểm toán cần kết hợp phương thức tiền kiểm với hậu kiểm; Kiểm toán nhà nước cần tham gia từ đầu về quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển của các địa phương, đơn vị.
Đây cũng là đề xuất được nhiều đơn vị đưa ra qua quá trình được kiểm toán. Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Phạm Thanh Bình, trong điều kiện cho phép, Kiểm toán nhà nước nên tham gia kiểm toán ngay từ khâu lập dự án, cho đến khi bắt đầu triển khai và lựa chọn đánh giá trong thời kỳ triển khai dự án.
“Làm được như vậy sẽ giúp cho kết quả kiểm toán được toàn diện và có giá trị hơn, cũng như giúp chủ đầu tư kịp thời ngăn chặn được các hành vi sai sót” - ông Bình cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đối với các dự án đầu tư xây dựng do các cấp công đoàn triển khai thực hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quán triệt rõ nguyên tắc phải chấp hành nghiêm kiến nghị kiểm toán.
“Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán dự án đầu tư xây dựng, chúng tôi mong muốn Kiểm toán nhà nước sẽ tham gia kiểm toán từ khi dự án mới triển khai, qua đó cùng cơ quan quản lý, chủ đầu tư phát hiện và ngăn chặn nguy cơ thất thoát, lãng phí; cũng như đánh giá tính hiệu quả, kinh tế của dự án để kịp thời điều chỉnh phù hợp” - ông Dũng kiến nghị.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, từ đó gia tăng hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán.
Xác định chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán đóng vai trò quyết định đến thành công của cuộc kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm toán viên. Trong đó, tập trung vào xây dựng, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; đổi mới phương thức đào tạo, tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm…
Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư xây dựng ngày càng được đổi mới trong công tác thi công và quản lý chất lượng công trình. Điều này đòi hỏi Kiểm toán nhà nước phải tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và công nghệ mới vào hoạt động kiểm toán để bắt kịp với xu thế mới. Đồng thời, tăng cường các kênh trao đổi để nắm bắt thông tin về đơn vị, dự án được kiểm toán một cách chủ động, kịp thời và chính xác.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó giám đốc Trung tâm Tin học (Kiểm toán nhà nước) cho biết, Kiểm toán nhà nước đang vận hành Cổng trao đổi thông tin, qua đó sẽ thuận lợi cho các đơn vị kiểm toán trong việc khai thác thông tin, dữ liệu về đối tượng kiểm toán.
Nhấn mạnh trong bối cảnh mới, yêu cầu đối với kiểm toán không chỉ là đánh giá tính tuân thủ, mà còn là tính hiệu quả của dự án, PGS,TS. Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần áp dụng kết hợp loại hình kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính; xem xét áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng vốn trong đầu tư xây dựng.