Sáng 7/6, trao đổi với phóng viên báo Công Thương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana Ý – bà Trần Mai Thị Bé Liệu xác nhận thông tin “Công ty CP Thép Dana Ý khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng”.
Công ty CP Thép Dana Ý khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và đòi bồi thường gần 400 tỷ đồng |
Bà Liệu cho biết, Công ty CP Thép Dana Ý đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất theo quyết định 5585/QĐ-XPVPHC do UBND TP. Đà Nẵng ban hành. Việc liên tục dừng hoạt động kinh doanh từ tháng 9/2018 đã gây bức xúc cho các cổ đông của công ty. Dưới áp lực của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nước ngoài, Công ty đã chính thức phát đơn khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vào tháng 1/2019. “Việc khởi kiện là điều cả 2 bên đều không mong muốn, tuy nhiên, việc chính quyền thành phố không có động thái tích cực giải quyết vụ việc, và dưới áp lực của cổ đông, nên Công ty phải khởi kiện”, bà Liệu cho hay.
Theo luật định và cũng từ đề nghị “thiện chí” của UBND thành phố, công ty đã có đơn xin Tòa án tạm ngưng vụ việc để tiến hành hòa giải và cũng là để hai bên tìm tiếng nói chung.
“Đến nay đã hết thời gian hòa giải, tuy nhiên, Công ty Cổ phần Thép Dana Ý và UBND TP. Đà Nẵng không đạt được thỏa thuận chung. Theo quy định, Chúng tôi đã tiến hành tạm ứng án phí để Tòa án tiếp tục xử lý vụ việc (nếu không, đơn kiện sẽ bị hủy)”, bà Liệu nói và cho biết thêm, với việc hòa giải không thành vụ việc buộc phải đợi Tòa án giải quyết.
Được biết, đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana Ý (nguyên đơn) khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (bị đơn) gồm 4 nội dung: Yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng hủy công văn số 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (người ký thay là Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh), buộc Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng bồi thường thiệt hại 109 tỷ đồng do việc thi hành nội dung công văn gây ra; Buộc UBND TP. Đà Nẵng bồi thường thiệt hại hơn 11 tỷ đồng do việc thi hành thông báo số 30/TB-UBND ngày 23/3/2018 gây ra (thông báo 30 cho phép nhà máy hoạt động trở lại từ ngày 26/3/2018, “Tuy nhiên, Thông báo số 30 này đã có nhiều nội dung không đúng với pháp luật, hạn chế quyền của doanh nghiệp” - đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana Ý nêu); Buộc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bồi thường thiệt hại gây ra bởi hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018 đến nay là hơn 120 tỉ đồng; Và yêu cầu hủy một phần quyết định 5585 ngày 23/11/2018 của Chủ tịch UBND thành phố và buộc Chủ tịch UBND TP bồi thường thiệt hại gây ra bởi việc thực thi quyết định này là hơn 156 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền mà Công ty CP Thép Dana Ý yêu cầu UBND và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng bồi thường là gần 400 tỷ đồng.
UBND TP. Đà Nẵng và 2 công ty thép Dana Ý, Dana Úc đã nhiều lần đối thoại với người dân thôn Vân Dương 2 (nơi đặt 2 nhà máy) nhưng không đạt kết quả. UBND TP. Đà Nẵng đã giải quyết vụ việc theo hướng yêu cầu 2 nhà máy ngừng hoạt động (từ tháng 9/2018 đến thời điểm hiện tại) |
Trước đó, tại buổi họp báo quý I/2019 do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 4/2019 vừa qua, trước câu hỏi về việc có thông tin 2 nhà máy thép Dana Ý (Công ty CP Thép Dana Ý) và Dana Úc (Công ty CP Thép Dana Úc) tiến hành thủ tục khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố - ông Tô Hùng đã thay mặt UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Nếu doanh nghiệp khởi kiện, Chính quyền thành phố cũng đã có kịch bản ứng phó. Ông Hùng cũng cho biết thêm, 2 đơn vị bị xử lý theo quyết định 5585 và 5586 ngày 23/11/2018 đã nghiêm túc chấp hành ngừng hoạt động, nhưng không nộp tiền xử phạt hành chính.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Trần Mai Thị Bé Liệu cho biết, Công ty DANA-Ý đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất theo QĐ 5585/QĐ-XPVPHC, nhưng không nộp tiền phạt. Lí do một phần vì Công ty đã bị dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh từ 26/9/2018 ( vì dân bao vây lại, phản đối TP hết hạn 6 tháng theo TB số 30 nhưng không trả lời người dân về phương án giải quyết) nên gần như Công ty đã cạn nguồn tiền; một phần vì Công ty cho rằng lỗi chưa có Giấy xác nhận bảo vệ môi trường theo QĐ 5585 là không thỏa đáng vì trước đó Công ty đã được cấp riêng cho từng dự án và đã nộp hồ sơ đề nghị cấp lại khi nâng cấp dây chuyền sản xuất theo yêu cầu đổi mới công nghệ của TP trước đó. Đồng thời, việc chưa được cấp Giấy chứng nhận môi trường lần này là do vướng quy định về khoảng cách cách ly (điều này là do qui hoạch của TP). Mặc dù trước đó Công ty đã nhiều lần giải trình bằng văn bản đến cơ quan chức năng, giải trình về việc này song không nhận được sự hợp tác.