Đồng Tháp: 8/8 xã biên giới đạt Tiêu chí số 4 và số 7 trong xây dựng nông thôn mới Gia Lai: Điện lực Ayun Pa chung tay xây dựng nông thôn mới ở xã Kim Tân |
Những năm trước đây, hạ tầng lưới điện ở nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh Hòa Bình xuống cấp, chất lượng điện năng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Cùng với đó, nhiều khu vực chưa có đường dây 0,4kV nên phải tự kéo điện bằng cột tre, gỗ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chất lượng điện năng thấp.
Nâng cấp hạ tầng điện đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó, tỉnh cũng đã tích cực chỉ đạo việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện.
Theo đó, Dự án Nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được triển khai tại 26 xã thuộc 5 huyện của tỉnh. Trong đó, xây dựng mới đường dây trung áp khoảng 35,665 km; Xây dựng mới 45 trạm biến áp với tổng dung lượng khoảng 6.385kVA; Xây dựng mới đường dây hạ áp khoảng 76,582 km (trong đó: Xây dựng mới 65,611 km; nâng cấp, cải tạo 10,971 km); lắp đặt mới khoảng 1.379 chiếc công tơ.
Tại huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với không ít khó khăn, thử thách, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ; trong đó, toàn huyện mới có 1 xã đạt tiêu chí số 4 về điện. Xác định điện là một trong những hạ tầng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác, do vậy, huyện đã tập trung nguồn lực thực hiện tiêu chí này.
Giai đoạn 2010 - 2020, từ các chương trình, dự án, ngân sách nhà nước kết hợp với vốn đầu tư của doanh nghiệp, huyện đã xây dựng, nâng cấp được 32 trạm biến áp, 24,5 km đường dây trung thế và 38,2 km đường dây hạ thế với tổng kinh phí đầu tư 130 tỷ đồng. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành đạt 100%.
Từ sự đầu tư này, tất cả các xã trong huyện đã đạt tiêu chí số 4 về điện, tăng 92,31% so với năm 2011. Toàn huyện có 97,8% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện, tăng 9,96% so với năm 2010. Qua đó góp phần quan trọng để Lạc Thủy được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.
Tương tự, đối với các xã thuộc khu vực khó khăn trong tỉnh, trước đây, điện luôn là một trong những trăn trở lớn. Hạ tầng lưới điện chưa được đầu tư đồng bộ, số lượng trạm biến áp có bán kính cấp điện lớn còn phổ biến nên chất lượng điện năng chưa cao. Trong thời gian dài, nhiều hộ ở các thôn, xóm sử dụng điện chưa đảm bảo an toàn hoặc phải tự kéo điện xa về sử dụng, nhất là ở một số xã thuộc địa bàn của các huyện: Lạc Sơn, Đà Bắc, Mai Châu. Tuy nhiên, những năm gần đây, chất lượng điện năng được cải thiện đáng kể khi có thêm hàng trăm trạm biến áp được cấy mới; một số đường dây cũ được nâng cấp, cải tạo.
Xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) những năm trước được coi là điểm "nóng” về điện tự kéo, điện "đom đóm”. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, đường dây 0,4kV được đầu tư kéo đến các khu dân cư, cùng với đó là một số trạm biến áp được cấy mới.
Còn tại xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) trước đây có hơn 30 hộ cũng phải kéo điện khá xa để sử dụng, chất lượng điện chỉ đủ phục vụ các nhu cầu tối thiểu. Sau khi thực hiện di dân tái định cư, xóm được đầu tư đường điện đảm bảo. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, đến nay, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Chất lượng cấp điện ngày càng ổn định, người dân được hưởng giá theo quy định.
Với những nỗ lực đó, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng cấp điện ổn định, người dân được hưởng giá điện theo quy định.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 129/129 xã có hệ thống điện đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt… tại các địa phương, đạt 100% tiêu chí số 4 về điện. Nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.