Hòa Bình tiêu hủy hơn 3.000 sản phẩm là tang vật vi phạm hành chínhPhát triển tiểu thủ công nghiệp từ lợi thế sẵn có ở vùng cao Mai Châu Hòa Bình: Đặc biệt Lễ khai hội chùa Tiên năm 2024 |
Nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái quy định của pháp luật, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, các lực lượng chức năng đã tăng cường chống gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán |
Cụ thể, trong năm 2023, tình hình thị trường tỉnh Hòa Bình ổn định, tình trạng gian lận thương mại tuy vẫn còn diễn ra, nhưng với mức độ nhỏ lẻ; không có đường dây, ổ nhóm hoặc có tổ chức; số lượng hàng hóa vi phạm không lớn, quy mô nhỏ lẻ và giá trị không cao.
Tuy nhiên phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng; thường xuyên thay đổi địa bàn, quy luật hoạt động; trà trộn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với các mặt hàng hóa khác hoặc xuống hàng, gom hàng tại các kho nơi địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, sau đó vận chuyển dần đi tiêu thụ.
Các đối tượng vi phạm thường đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đi lại khó khăn; vi phạm chủ yếu là những mặt hàng có thương hiệu và tiêu dùng thông thường trên địa bàn gây ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh chân chính.
Ông Trương Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình thông tin, trong năm 2023, tổng số vụ thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh là 1.142 vụ với tổng số tiền phạt là gần 2,2 tỷ đồng. Giá trị số hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gần 490 triệu đồng. Giá trị số hàng hóa tiêu hủy năm 2023 là gần 130 triệu đồng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đánh giá, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại sẽ tiếp tục diễn ra với tính chất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn, quy luật hoạt động; trà trộn hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc xuống hàng, gom hàng tại các kho nơi địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, sau đó vận chuyển dần đi tiêu thụ. Bán hàng qua các trang mạng xã hội, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa cùng nhiều mặt hàng khác nên rất khó khăn cho hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng dịp Tết Nguyên đán |
Để triển khai hiệu kế hoạch hiệu quả, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ngành, các cấp, lực lượng chức năng chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán trực tuyến, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu, rộng; công khai kết quả kiểm tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa.
Đặc biệt, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán |
Đặc biệt, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá, hành vi gian lận giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu... Công tác kiểm tra, kiểm soát phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân, làm cản trở sản xuất và lưu thông hàng hóa.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kiên quyết không có “vùng cấm”.
Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, bỏ trống địa bàn, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công bố công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.
Qua đó, góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.