Hòa Bình: Lô mía tươi thứ 3 trong năm 2023 được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ Hoà Bình: Quýt Ôn Châu được mùa, giá bán 35.000 đồng/kg |
Nhờ lồng ghép Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào các chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có 70% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Doanh nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường |
Ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - cho biết: Đến nay, khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối đã được tỉnh hỗ trợ hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và trung tâm thương mại, siêu thị; 55% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 70% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Hòa Bình cũng tập trung hỗ trợ các đối tượng là cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như nông - lâm - thủy sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện - điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Xu hướng chung hiện nay là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững là quan điểm và mục tiêu phát triển chung, đồng thời, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Đánh giá về tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững đối với địa phương, ông Quách Tất Liêm khẳng định: Tiêu dùng bền vững chính là “chìa khóa” bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, có tầm quan trọng đặc biệt ảnh hưởng chính tới chuỗi sản xuất, phân phối, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, Hòa Bình cũng đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Liêm, khó khăn lớn nhất với Hòa Bình đó là tỉnh miền núi, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, dẫn đến trong quá trình hoạt động sản xuất gây ra sự hao phí lớn về năng lượng. Cùng với đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tài chính hạn hẹp không cho phép doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa hoạt động hỗ trợ, giám sát kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn với các hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường.
Để triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Hòa Bình xác định tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước triển khai quyết liệt các chương trình, kế hoạch, đề án của địa phương; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và người dân về sử dụng hiệu quả tài nguyên; thiết kế, sản xuất, phân phối, mua sắm bền vững… phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn quản lý. Đồng thời, thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn, bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các nhóm nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng thí điểm mô hình thu hồi, tái sử dụng và tái chế chất thải trong sản xuất chế biến, các mô hình quản lý tổng hợp khai thác, chế biến và chế tạo, sản xuất và sử dụng bền vững nhiên liệu, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp. Đồng thời, xây dựng “Điểm kinh doanh xanh”; tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy, hỗ trợ, mở rộng liên kết giữa các nhà: Sản xuất - phân phối - tiêu dùng…