Hòa Bình: Không có đăng kiểm, 169 tàu du lịch phải dừng hoạt động Thông xe tuyến Quốc lộ 6, rút ngắn thời gian đi từ Sơn La về Hà Nội Xe đầu kéo lật nghiêng, giao thông ùn tắc cục bộ trên Quốc lộ 6 |
Trong giai đoạn 2021-2025, dự án mở rộng quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình, sẽ thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của dự án.
Theo Tờ trình này, dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình có điểm đầu tại vị trí điểm đầu dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng (khoảng Km6+680 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình, giao với đường Hòa Lạc - làng Văn Hóa các dân tộc, thuộc địa phận xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội); điểm cuối tại Km23+040 tại vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc - Hòa Bình hiện trạng và quốc lộ 6 (khoảng Km64+940 của quốc lộ 6).
Quốc lộ 6 Hòa Bình - Hòa Lạc được đề xuất mở rộng thành 6 làn xe và đầu tư theo hình thức PPP |
Tổng chiều dài toàn tuyến thuộc dự án khoảng 23,04km, trong đó, đoạn đi qua địa phận TP. Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km.
Dự án dự kiến xây dựng tuyến đường với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe - mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m - 110m.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự án sẽ thực hiện đầu tư tuyến đường với quy mô 6 làn xe (tận dụng tối đa 2 làn xe hiện tại) và giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi đầu tư của dự án, tạo điều kiện hoàn thiện các hạng mục còn lại trong tương lai.
UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình, giai đoạn 1.
Sau khi được bàn giao, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan tiếp tục giải quyết, đồng thời triển khai các thủ tục đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục liên quan bàn giao cơ quan có thẩm quyền đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 1 từ Bộ Giao thông Vận tải cho UBND tỉnh Hòa Bình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cam kết sẽ tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội và nhà đầu tư giai đoạn 1 dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và các tổ chức, cá nhân để thực hiện việc tiếp nhận chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Hòa Bình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Không chỉ với quốc lộ 6 Hòa Lạc- Hòa Bình, một loạt các dự án giao thông trọng điểm khác cũng đã được tỉnh Hòa Bình kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải.
Tỉnh Hòa Bình cũng kiến nghị đầu tư mở rộng quốc lộ 21A, đoạn qua huyện Lạc Thủy đấu nối với đường 12B đoạn qua huyện Kim Bôi, huyện Cao Phong đấu nối với quốc lộ 6 (đỉnh dốc Cun) nhằm đồng bộ hệ thống giao thông, thuận lợi cho lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, sớm triển khai nâng cấp tuyến tỉnh lộ 433 thành đường quốc lộ 32D, tiêu chuẩn đường cấp IV - miền núi, 2 làn xe với tổng chiều dài khoảng 79km.
Liên quan vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, "do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư nên chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ, chưa thể cân đối bố trí đầu tư cho tuyến quốc lộ này".
Còn đối với tuyến đường ĐT.433, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Bộ Giao thông Vận tải cho hay tuyến đường này được quy hoạch thành quốc lộ 32D và xác định các tuyến đường tỉnh chỉ nâng lên quốc lộ sau khi đảm bảo quy mô quy hoạch.
"Hiện nay, ĐT.433 là tuyến đường do địa phương quản lý và đầu tư, vì vậy, UBND tỉnh Hòa Bình cần chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư nâng cấp tối thiểu đạt quy mô cấp IV, 2 làn xe", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu, chuyển thành quốc lộ 32D theo quy định.