Để hỗ trợ vốn cho DNNVV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP khuyến khích, định hướng đầu tư cho DNNVV đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đến nay, GS,TS Vũ Đình Hòa - Học viện Chính sách và Phát triển - đánh giá, các giải pháp hỗ trợ vốn cho DNNVV theo Nghị định 38 còn chậm, thiếu nguồn lực, triển khai chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trong số 38 tỉnh có chương trình, đề án hỗ trợ vốn cho DNNVV theo Nghị định 38, đến nay chưa có địa phương nào triển khai cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào DNNVV.
Ở góc độ thực tiễn của DN, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, khảo sát mới đây do VCCI thực hiện cho thấy, ngoài các tác động khó khăn về thị trường, nguồn cung ứng, nhân công… thì đại dịch Covid-19 đã khiến cho khoảng 10% DNNVV bị thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền để phục vụ kinh doanh. Việc tiếp cận các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng đối với các DNNVV, đã khó khăn, nay đại dịch Covid-19 tác động lại càng khó khăn hơn.
Những nguyên nhân chính khiến cho DNNVV tiếp cận các nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, theo GS,TS Vũ Đình Hòa vẫn là thủ tục hành chính phức tạp, điều kiện cho vay quá chặt chẽ đối với khu vực tư nhân, lãi suất cho vay cao, DN không có đủ tài sản thế chấp để vay vốn, bị phân biệt đối xử...
Đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 10% DNNVV thiếu nguồn vốn kinh doanh. Ảnh minh họa |
Chẳng hạn như vay vốn theo Nghị định 38, được coi là “dễ thở” hơn vay tín dụng ngân hàng, song để tiếp cận được vốn từ chương trình này, các DNNVV vẫn phải có hệ thống báo cáo tài chính chuẩn chỉnh, đầy đủ thông tin, minh bạch, tạo điều kiện dễ dàng cho việc thẩm định; doanh nghiệp phải có đủ tài sản đảm bảo thanh khoản và giá trị; chuyên nghiệp trong quản lý tài chính, quản lý rủi ro; có đầy đủ thông tin để tiếp cận được các nguồn hỗ trợ từ Chính phủ; có chiến lược sản xuất kinh doanh hiệu quả, khai thác được những giá trị và tiềm năng trong tương lai. Trong khi khả năng đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu với các DNNVV là không nhiều.
Ở góc độ ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, cơ cấu nguồn vốn bất hợp lý của các DN cũng là nguyên nhân khó tiếp cận tín dụng. Trong cấu nguồn vốn của các DN hiện nay, thì nguồn vốn chủ sở hữu mới chiếm khoảng 20-30%, còn lại là phải đi vay. Với cơ cấu vốn này, hệ thống ngân hàng thương mại thường không thể đáp ứng được nhu cầu vốn trung và dài hạn của DN. Bởi nếu ngân hàng cho vay, nguy cơ với DN là phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn sẽ lớn, dẫn tới hiệu quả sinh lời sản xuất, kinh doanh thấp; phía ngân hàng có nguy cơ gia tăng tỷ lệ nợ xấu…
Để hỗ trợ DN nói chung, DNNVV nói riêng, huy động các nguồn vốn có hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cần xác định được cơ cấu các nguồn vốn tối ưu; cần đa dạng hóa các hình thức huy động và cho vay. Theo GS,TS Vũ Đình Hòa, Nhà nước cần xây dựng hệ thống chính sách vĩ mô hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất đảm bảo lãi suất trong nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường; thực hiện triệt để và kiên trì các giải pháp hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV có thể tiếp cận được sự hỗ trợ của Chính phủ; xây dựng quỹ đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo ở cấp trung ương để tập trung, tránh lãng phí nguồn lực, tránh cục bộ địa phương.
Các tổ chức tín dụng cần có các sản phẩm cho vay phù hợp hơn với các đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề một cách linh hoạt. Đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu DN cung cấp thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV nắm bắt và thực hiện.
Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, quản trị nhằm đáp ứng các điều kiện vay vốn. Nâng cao năng lực lập sổ sách kế toán, khai thuế và hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng… qua Internet nhằm giảm chi phí giao dịch, kết nối và chia sẻ thông tin tài chính với các tổ chức tín dụng để minh bạch hóa thông tin tài chính của DN, tạo lòng tin với đối tác, thị trường cũng như với hệ thống ngân hàng.