Doanh nghiệp và người tiêu dùng mong chờ
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nếu chính sách được thông qua, sẽ tạo dòng tiền cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tại tờ trình Nghị định gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ôtô. Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền địa phương, các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - những thị trường ôtô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh "đóng băng".
DN sản xuất, lắp ráp ôtô chờ đợi chính sách ưu đãi về thuế TTĐB |
Không chỉ vậy, các nhà máy sản xuất ôtô của một số hãng xe trong nước cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Năm 2021, doanh số bán hàng của thị trường ôtô sụt giảm mạnh. Sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
Trước thực tế trên, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Cụ thể, thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2022 chậm nhất ngày 20/11/2022. Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.
Dự kiến, tổng số tiền thuế TTĐB phát sinh được gia hạn 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến kỳ tính thuế tháng 9) khoảng 9.300 - 11.400 tỷ đồng. Không chỉ các DN ôtô mà người tiêu dùng cũng rất mong chờ chính sách này sớm ban hành, giúp giá xe giảm.
Thêm trợ lực cạnh tranh
Về phía Bộ Công Thương, trước đó cũng đã đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế TTĐB theo hướng áp dụng chính sách ưu đãi về thuế TTĐB cho ôtô kèm theo điều kiện khuyến khích các DN nâng cao sản lượng sản xuất và giá trị gia tăng tạo ra trong nước.
Lý do được Bộ Công Thương chỉ ra, trước hết, dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhỏ, không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ôtô đi trước rất lâu. Bên cạnh đó, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài, phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm…, từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đại diện một DN sản xuất lắp ráp xe ôtô cho rằng, nếu chính sách gia hạn thuế TTĐB được thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với DN. Qua đó, giúp DN có khả năng duy trì dòng tiền, góp phần tạo động lực để DN vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong thời điểm ngành ôtô đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Cũng theo đại diện DN này, trước đó, Nghị định 103/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 - 31/5/2022 giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước đã tạo cơ hội cho doanh số xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt con số áp đảo so với xe nhập khẩu.
Thực tế, một trong những chính sách quan trọng, được các DN sản xuất, lắp ráp ôtô chờ đợi nhất, chính là ưu đãi về thuế TTĐB. Các cơ quan chức năng và chuyên gia trong lĩnh vực ôtô đều thừa nhận, chính sách này sẽ khuyến khích DN đẩy mạnh việc tìm mua linh kiện sản xuất trong nước, thay thế cho hàng nhập khẩu. Qua đó, sẽ mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ôtô, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, giúp DN có khả năng duy trì dòng tiền, góp phần tạo động lực vượt qua khó khăn, đặc biệt trong thời điểm ngành ôtô đang trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19...
Do là giải pháp cấp bách để kịp thời hỗ trợ các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, dự thảo sẽ được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn. |