Để lựa chọn các sản phẩm quốc gia đến 2030, tại dự thảo Thông tư, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra quy định về các yêu cầu kỹ thuật, quy mô, giá trị. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đưa ra quy định “đối với sản phẩm có tính đặc thù, thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Nhiều sản phẩm xuất sắc của các doanh nghiệp đã được gắn "Thương hiệu quốc gia". Ảnh minh họa |
Qua tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải đưa ra các tiêu chí rõ ràng xác định sản phẩm đặc thù ở đây là gì? Mặt khác, các sản phẩm được coi có tính đặc thù thì có cần phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, quy mô, giá trị… nữa hay không?
Qui định nêu trên cũng chưa rõ ràng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về sản phẩm nào là có tính đặc thù, hay là xem xét, quyết định các yêu cầu về kỹ thuật, quy mô, giá trị mà các sản phẩm có tính đặc thù phải đáp ứng? Trình tự, thủ tục Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cũng chưa rõ ràng?
Đối với chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia, theo dự thảo Thông tư (điều 7), thì các Bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ “xem xét quyết định các hình thức hỗ trợ áp dụng đối với các sản phẩm quốc gia, hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền”. Đại diện VCCI, cho rằng, qui định như vậy thì các hình thức hỗ trợ áp dụng đối với sản phẩm quốc gia sẽ tùy thuộc vào quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề là, các cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào những căn cứ nào để xác định các hình thức hỗ trợ áp dụng tương ứng đối với mỗi sản phẩm quốc gia?
Tại dự thảo Thông tư, Bộ Khoa học và Công nghệ còn đưa ra quy định "trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia do Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn đối với từng nội dung ưu đãi hỗ trợ cụ thể theo quy định của pháp luật”. Theo đại diện của VCCI, qui định này chưa có sự thống nhất áp dụng cho từng nội dung ưu đãi hỗ trợ, mà phụ thuộc vào hướng dẫn của các quan có thẩm quyền. Điều này, sẽ dẫn đến thiếu sự thống nhất trong quy trình thẩm định, phê duyệt hỗ trợ sản phẩm quốc gia ở mỗi Bộ, ngành, địa phương, gây khó khăn cho thực tiễn triển khai.