Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Các văn bản này đã xác định nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đó là nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Xây dựng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DNNVV |
Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nói chung và DNNVV nói riêng; Bộ tiếp tục thúc đẩy hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật cho DN. Đồng thời, tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Qua đó, giúp DN nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương, tạo hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả cho hoạt động và phát triển của DN theo quy định của hiến pháp và pháp luật.
Đặc biệt, trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN theo kế hoạch hàng năm, việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ pháp lý cho DNNVV vô cùng quan trọng. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý và quy trình rõ ràng cho hoạt động công nhận, công khai mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo quy định, Vụ Pháp chế đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Quyết định số 842/QĐ-BCT hướng dẫn việc công nhận, công bố tổ chức, cá nhân tham gia mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV ngành Công Thương. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã công nhận và công khai 9 tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp thông tin, giới thiệu các thành viên đủ điều kiện của Liên đoàn tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương.
Hiện nay, việc công nhận, công khai mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương có tính thiết thực và phù hợp với nhu cầu được hỗ trợ pháp lý của DN.
Từ yêu cầu thực tiễn, để mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo ngành, lĩnh vực hoạt động tích cực và hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm công nhận và công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý lên Trang thông tin điện tử và Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV để DN tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý. Đồng thời, xem xét, hỗ trợ chi phí tư vấn đối với các đơn vị này theo thỏa thuận dịch vụ tư vấn pháp luật cho từng vụ việc. Theo đó, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn về tiêu chí, quy trình công nhận và quản lý mạng lưới tư vấn viên pháp lý cho DNNVV áp dụng thống nhất trong cả nước, làm cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện công nhận và công bố theo đúng quy định...