Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, trong khuôn khổ Chương trình xây dựng năng lực APEC (CBNI) do Hàn Quốc khởi xướng, từ năm 2012 đến nay, nhiều hội thảo xây dựng năng lực đã được tổ chức tại các nền kinh tế APEC. CBNI đặt mục tiêu xây dựng và nâng cao năng lực kỹ năng cho các nhà đàm phán FTA từ các thành viên đang phát triển APEC trong bối cảnh phổ biến các FTA trên toàn thế giới.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo |
“Hội thảo lần này là dịp để chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong tham vấn trong nước, nghiên cứu chính sách và loại bỏ rào cản thương mại cho các nhà đàm phán FTA là hữu ích và cần thiết để thu hẹp khoảng cách năng lực giữa các thành viên APEC phát triển và đang phát triển” - bà Mai chia sẻ.
Theo bà Mai, đây cũng là một trong những hoạt động xây dựng năng lực để đặt nền móng cho việc hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) trong tương lai, sau khi các mục tiêu của Bogor đã hoàn thành.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, hiện nay CBNI đã được hỗ trợ tốt và nhận được sự tham gia tích cực của hầu hết các thành viên APEC. Việt Nam là một trong những thành viên tiên phong trong quá trình thực hiện giai đoạn đầu của CBNI kể từ năm 2012.
Theo đó, trong khuôn khổ CNBI, Việt Nam đã tổ chức một loạt các khóa đào tạo và hội thảo để xây dựng và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực khác nhau như môi trường, trí tuệ tài sản, TBT, SPS, mua sắm chính phủ, với kết quả thiết thực và hữu ích được công nhận bởi các thành viên APEC.
Bà Phạm Quỳnh Mai đánh giá: Những năm gần đây, do tiến trình của Vòng đàm phán Doha của WTO rất chậm, việc thực hiện các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Nairobi và Buenos Aires đã cho thấy rất ít hiệu quả thiết thực; các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đang chuyển sang các FTA song phương và đa phương để thúc đẩy thương mại và đầu tư với các đối tác tiềm năng.
Do đó, bên cạnh các vấn đề thương mại truyền thống như Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ, Đầu tư... các vấn đề mới cũng được đưa vào các cuộc đàm phán FTA như: lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các chuyên gia đến từ ASEAN, WTO chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo |
Ông Phan Mạnh Hà - Ban Quan hệ kinh tế đối ngoại, Ban thư ký ASEAN - cho biết: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của ASEAN và không thể thiếu đối với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS). Hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm từ 88,8% - 99,9% tổng số cơ sở trong AMS và từ 51,7% - 97,2% tổng số việc làm. Đóng góp của các doanh nghiệp này vào mỗi GDP của AMS là từ 30% - 53% và đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào xuất khẩu là từ 10% - 29,9%.
“Các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi ích cho các MSME bằng cách giảm hoặc loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thúc đẩy thương mại điện tử và tăng cường tính minh bạch của các quy định trong nước liên quan đến thương mại” - ông Hà chia sẻ..
Cũng theo ông Hà, hai loại phổ biến nhất của các điều khoản liên quan đến DNNVV trong các FTAs/RTAs là các hoạt động hợp tác và miễn trừ cho các doanh nghiệp nhỏ từ các điều khoản nhất định. Trong xu hướng hiện nay, chương dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ độc lập trong các FTA/ RTA đã tăng lên trong những năm qua.
Kết quả và khuyến nghị từ các chuyên gia tại hội thảo lần này sẽ giúp các DNNVV nâng cao năng lực cho các nhà đàm phán, hoạch định chính sách quản lý trong tham gia đàm phán và thực thi các chương trình trong thời gian tới. Chia sẻ các thực tiễn tốt và kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị đàm phán góp phần vào quá trình thảo luận về định hình Viễn cảnh APEC sau 2020. |