Chủ động gia nhập chuỗi cung ứng EVFTA mang tới cơ hội phát triển chuỗi cung ứng vững bền cho Việt Nam Nắm bắt làn sóng dịch chuyển của chuỗi cung ứng |
Đây là một bài toán mà Chính phủ luôn trăn trở, và cũng là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (LinkSME) tổ chức sáng ngày 24/7.
Không thể tiếp tục để DN FDI một đường, DN Việt một nẻo
Mặc dù, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận về thu hút FDI và phát triển DN khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế; sự liên kết của các DN Việt Nam còn rời rạc, không gắn kết, đặc biệt là có rất ít mối liên kết giữa các DN nhỏ và DN có quy mô lớn hơn, giữa DN Việt Nam và các DN FDI; mức độ tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận thực tế, sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỷ lệ nội địa hoá còn thấp. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam còn rất hạn chế.
Nguyên nhân do các DN FDI, DN lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng, hoặc tự phát triển chuỗi khép kín. Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ bé nên đa số các DN nhỏ và vừa Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất.
“Đôi lúc DN còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá.”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Đồng quan điểm, bà Đào Thị Thu Huyền – Quản lý cấp cao Canon Việt Nam – cho biết, số lượng nhà cung cấp trực tiếp linh kiện, sản xuất máy in ở Việt Nam có 147 nhà cung cấp, trong đó các DN thuần Việt chỉ có 20 nhà cung cấp Việt Nam. Con số này chưa tăng lên trong mấy năm nay, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa Canon đang đạt mức khá cao, 65%, củ yếu rơi nhiều vào DN FDI cũng như sản xuất nội chế trong công ty.
“Vấn đề là hiện nay các nhà cung cấp thuần Việt mới chỉ cung cấp ở linh kiện nhựa – đây là lĩnh vực dễ làm nhất, trong khi Canon có nhiều linh kiện, chủng loại khác nhau. Bên cạnh đó, ý chí quyết tâm của nhà lãnh đạo bên cung cấp hơi thiếu. Muốn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đáp ứng được yêu cầu của toàn cầu, và nhà cung cấp phải chắc chắn về sự ổn định chất lượng và liên tục duy trì cải tiến, đồng hành trong chuỗi cung ứng” – bà Đào Thị Thu Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, băn khoăn của các DN Việt là nếu đầu tư mà cuối cùng sản phẩm không tham gia được vào chuỗi sẽ không biết bán cho ai. Trong khi đó, từ phía DN FDI, các tiêu chuẩn đối với sản phẩm hàng hóa mà các DN trong nước chưa đáp ứng được luôn là các rào cản. Việc để nền kinh tế có hai khu vực độc lập, như ý kiến mà nhiều chuyên gia đã nêu ra từ lâu. “Câu chuyện con gà quả trứng xảy ra nhiều năm qua và không thể tiếp tục để DN FDI một đường, DN Việt một nẻo. Bởi đáng lẽ DN Việt có thể phát triển mạnh hơn, tận dụng FDI để lớn lên.”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh
Tìm kiếm cơ hội mới trong trạng thái mới
Có thể thấy, sự liên kết giữa các khu vực DN còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các DN mà còn giảm hiệu quả FDI. Đây là bài toán Chính phủ luôn trăn trở. Chính vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được ban hành với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo tác động lan toả, gắn kết với các DN Việt Nam, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với 1 trong 3 nội dung trọng tâm là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Thực tế, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. Bên cạnh đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững. Các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác, thị trường quan trọng của Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do mới đem lại cơ hội nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức. Nếu các DN không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà.
“DN Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các DN có công nghệ tiên tiến”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Các cấp, các ngành cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ “ngàn năm có một”, nhằm phục hồi và phát triển chuỗi giá trị bền vững, tạo đà bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Michael Greene - Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam - cho biết, dịch Covid-19 tác động nặng nề tới kinh tế, đặc biệt là các DN. Vì vậy, Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để cùng hỗ trợ giúp khu vực kinh tế tư nhân phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hoa Kỳ cũng giúp DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững.
Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa do USAID tài trợ (LinkSME) có mục tiêu gia tăng số lượng các DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua việc tăng cường năng lực cho các tổ chức trung gian tại Việt Nam.
USAID LinkSME sẽ thúc đẩy việc tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh thông qua thể chế hóa các cải cách chính và tăng cường khung pháp lí để DNNVV phát triển trên toàn quốc.