Đó là những chia sẻ của các diễn giả tham dự Diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn”, do Tạp chí Hải quan điện tử, tổ chức ngày 1/10/2021.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế, cho biết: Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua tại Việt Nam, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, giảm, miễn thuế và tiền thuê đất và các loại phí…, với giá trị đã thực hiện khoảng 129.000 tỷ đồng; trong đó khoảng 97.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất gia hạn; khoảng 31.500 tỷ đồng miễn giảm trực tiếp các khoản thuế, phí… cho người nộp thuế.
Năm 2021, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nặng nền đến nền kinh tế, xã hội, cũng như hoạt động của DN, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ mới, giảm khoảng 30 loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, duy trì giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu (nông sản, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, xe máy…). Nghị định 52/2021/NQ-CP đã tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN)… và tiền thuê đất, triển khai từ tháng 4 đến nay, ước tính đã thực hiện tới thời điểm 30/9/2021 khoảng 78.000 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 21.300 tỷ đồng để miễn giảm trực tiếp các loại thuế VAT, TNDN, tiền thuê đất trong năm 2021 mà người nộp thuế phải nộp. Cụ thể, giảm 30% VAT áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thiết yếu; miễn hoàn toàn các loại thuế phải nộp cho hộ kinh doanh trong quý 3 và quý 4/2021; giảm 30% tiền thuê đất và giảm 30% thuế TNDN năm 2021 áp dụng cho tất cả các đối tượng doanh nghiệp, ngành nghề có phát sinh tiền thuê đất và tiền thuế TNDN phải nộp.
Hệ thống ngân hàng cũng đã nỗ lực thực hiện các chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất vay…
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét: Mức độ phản ứng chính sách của Chính phủ là nhanh, kịp thời. Các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, đã có tác dụng góp phần giảm bớt khó khăn cho DN. Nhiều DN phản ánh, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về tài chính rất có ý nghĩa, đánh giá cao chính sách hỗ trợ về thuế (giãn, giảm, miễn thuế). Hiện các DN đang rất kỳ vọng, gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng giảm thuế trực tiếp sẽ nhanh được triển khai. Gói hỗ trợ về tín dụng cũng có tác dụng nhiều cho DN giảm áp lực về tài chính, về trả nợ, tăng khả năng tiếp cận vốn…
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, các gói hỗ trợ so với mức độ khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra mà DN phải gánh chịu và qui mô nền kinh tế, thì vẫn chưa được như DN kỳ vọng. Chính sách hỗ trợ mới chủ yếu ở mức độ giãn, giảm (giảm thu), DN vẫn phải nộp các khoản này, chưa thực hiện ở cấp độ tăng chi để hỗ trợ. Giảm thu, chỉ có tác dụng với DN vẫn có nguồn thu, còn các DN đã mất nguồn thu, thì không có tác dụng, nên phạm vi DN được thụ hưởng chính sách chưa nhiều. Thời hạn hỗ trợ cũng còn ngắn, nên tác dụng của chính sách chưa cao.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết: Khi khảo sát DN về tác động của các chính sách hỗ trợ, nhiều DN cho rằng, trong khó khăn dù nhận được khoản hỗ trợ nào của Chính phủ thì cũng đều rất quý giá. Tuy nhiên, DN cho rằng, khâu thực thi vẫn có nhiều vấn đề. Các DN ghi nhận việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về thuế kịp thời, dễ dàng hơn do ngành thuế làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn... Tiếp cận hỗ trợ về tín dụng, thì điều kiện, thủ tục được thụ hưởng chính sách vẫn rất nhiều khó khăn. Thậm chí, có DN còn phản ánh, mất rất nhiều công sức, thời gian để hoàn thành các qui trình, thủ tục để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, nhưng xét thấy giá trị được hỗ trợ so với công sức bỏ ra chẳng hơn gì nhau, nên họ đã bỏ.
Theo bà Thủy, đưa ra chính sách hỗ trợ là một chuyện, nhưng để cho người dân và DN hiểu được chính sách, tiếp cận và thụ hưởng được chính sách như thế nào, thì khâu thực thi vẫn cần phải xem xét, nghiên cứu để cải thiện. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phải nhanh, kịp thời, thuận lợi, ít phụ thuộc vào bộ máy hành chính. Chính sách hỗ trợ phải giúp DN và người dân có thể chủ động tiếp cận được, thì hiệu quả của các chính sách hỗ trợ mới phát huy tác dụng cao...
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)