Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm: Cụ thể những định hướng lớn
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Vấn đề nâng cao NSCL đã được cụ thể hóa trong những định hướng của Đảng, Chính phủ và rõ nét nhất thể hiện thông qua việc triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020; Dự án “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”… Qua đó, tạo lập các nền tảng quan trọng cho triển khai hoạt động nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam.
Thành quả quan trọng nhất đó là các DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến NSCL đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của DN. Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean… đã dần quen thuộc với các DN Việt Nam.
Nhằm tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hoạt động này, Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao NSCL, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao NSCL hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho DN tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 DN được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao NSCL, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Để đạt được các mục tiêu trên, chương trình đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao NSCL. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về NSCL; đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào DN.
Bên cạnh đó, hỗ trợ DN áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố. Hỗ trợ DN áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; khuyến khích, hỗ trợ DN tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia…
Từ góc độ của Bộ Công Thương, DN được xác định là trọng tâm của các hoạt động triển khai dự án nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa. Trong đó, về vấn đề chất lượng, nội dung ưu tiên của Bộ là tập trung xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây vừa là công cụ hỗ trợ quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan, vừa là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho DN. Về tăng năng suất, nội dung ưu tiên của Bộ là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lợi ích trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại DN…
Theo các chuyên gia, muốn đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước thì nhất định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng DN và từng sản phẩm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì quan trọng nhất là năng suất và chất lượng. |