Thái Nguyên giảm đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động cho hơn 167 nghìn người Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn |
Chuyển biến tích cực
Mặc dù bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động, qua đó góp phần hạn chế thấp nhất tai nạn lao động xảy ra tại nơi làm việc.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thực hiện báo cáo theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, để người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia triển khai, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về vấn đề này.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn người lao động thực hiện nội quy làm việc đảm bảo an toàn lao động, ưu tiên việc phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, phòng ngừa tai nạn lao động kết hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc…
Nhờ sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, sự quan tâm và tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, đơn vị, hộ sản xuất kinh doanh và của chính người lao động đã làm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, ổn định thu nhập cho người lao động góp phần duy trì, phát triển kinh tế, chiến thắng đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Quỹ bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm tai nạn lao động được đánh giá là chính sách an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động mang tính thiết thực và hữu ích, chia sẻ rủi ro giữa các doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động.
Nâng cao nhận thức về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo thống kê, hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đang quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng cho 87 người với số tiền chi trả hơn 86 triệu đồng/tháng. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước cho 22 người với số tiền gần 22 triệu đồng/tháng; chi từ nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội cho 65 người với số tiền gần 65 triệu đồng/tháng).
Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông đã xét duyệt 01 hồ sơ tai nạn lao động hàng tháng, 4 hồ sơ tai nạn lao động một lần. Số lượng hồ sơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Đắk Nông phát sinh không nhiều do trên địa bàn ít các khu công nghiệp, người lao động và đơn vị sử dụng lao động thường xuyên được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động nên tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không phát sinh nhiều.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết và chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người hưởng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời do áp dụng các phần mềm của ngành cung cấp, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục trong giải quyết chế độ đã giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc lập hồ sơ cho người lao động, đảm bảo các hồ sơ được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài những thuận lợi, tỉnh cũng gặp một số khó khăn khi giải quyết chế độ cho người lao động. Như việc đơn vị còn nợ đóng Bảo hiểm xã hội dẫn đến chưa giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đơn vị sử dụng lao động đặc biệt là những đơn vị có số lượng lao động siêu nhỏ (dưới 5 lao động) không nghiên cứu và nắm rõ các văn bản nên chưa thực hiện kịp thời các chế độ cho người lao động khi xảy ra tai nạn lao động…
Từ thực tế này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn. Trong đó, tăng cường chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin truyền thông nhằm phổ biến sâu rộng quyền lợi và mức hưởng của chế độ; trách nhiệm tham gia các loại bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh để tổ chức các buổi tuyên truyền, đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội trực tiếp tại đơn vị để giải đáp, tư vấn cụ thể cho đơn vị, người lao động về các vướng mắc trong thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực tế tại đơn vị.
Cùng với đó, phân công cán bộ chuyên quản bám sát đơn vị, thường xuyên tuyên truyền, tư vấn để đơn vị sử dụng lao động đóng đủ, kịp thời các loại bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc, thực hiện chế độ, chính sách tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi của người lao động.