Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngân hàng thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt Thừa Thiên Huế: Đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Bắc Giang đã và đang phát triển mạnh công nghiệp, số lượng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn ngày càng nhiều. Lợi ích thấy rõ nhất là số lượng việc làm tăng lên; thu nhập và đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Từ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Bắc Giang cũng có được nguồn lực rất lớn để chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là thực hiện hiệu quả hơn công tác xóa đói, giảm nghèo. Phát triển mạnh kinh tế cũng là điều kiện tiên quyết để tỉnh Bắc Giang mở rộng hơn số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Cụ thể, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 5 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp đang hoạt động, tạo công ăn việc làm và tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho trên 300.000 người lao động ở địa phương cũng như một số tỉnh, thành phố lân cận.
Bên cạnh đó, những năm qua, với vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cũng luôn được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chú trọng chỉ đạo thực hiện. Điều này thể hiện rõ qua cơ chế trích ngân sách tỉnh hỗ trợ hộ cận nghèo (20%), hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp (10%) tham gia Bảo hiểm y tế; hỗ trợ thêm 10% với các nhóm đối tượng khác tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…).
Với nền tảng này, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đã và đang được thực hiện hiệu quả tại tỉnh Bắc Giang. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 340.650 người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; 37.790 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; 1,73 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 99% dân số của tỉnh.
Trên cơ sở đó, công tác giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội, chi trả lương hưu, khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã và đang được thực hiện nền nếp, hiệu quả, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
Theo ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã có các mô hình, cách làm rất hiệu quả, tiêu biểu cho vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Cụ thể, về việc thực hiện mô hình Tháng cao điểm, đã lấy tháng 11 hằng năm là dịp toàn tỉnh ra quân vận động nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế theo Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Sơn, mô hình này được thực hiện bền bỉ từ năm 2016 cho đến nay, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các huyện, đoàn thể ở địa phương, qua đó lan tỏa và đạt kết quả vô cùng cao về phát triển Bảo hiểm y tế. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế tăng lên qua từng năm và hiện đạt khoảng 99% dân số.
Từ thành công của mô hình này, tỉnh Bắc Giang tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 2/7/2021 về việc đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Mô hình Tháng cao điểm vốn đã thành công với Bảo hiểm y tế, giờ lại tiếp tục được áp dụng với Bảo hiểm xã hội tự nguyện và được tổ chức vào tháng 5/2022.
Trong Tháng cao điểm, tỉnh Bắc Giang đã vận động tăng mới được 4.839 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó có 913 người đã từng có thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, nghỉ việc và được vận động thành công để tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một số huyện đạt kết quả cao trong Tháng cao điểm như: Lục Ngạn vận động được 681 người, Việt Yên vận động được 725 người, Lục Nam vận động được 578 người…
Theo báo cáo, đầu tháng 8/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục có công văn chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường vận động phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu trong tháng 10, các huyện, thành phố phải sớm hoàn thành chỉ tiêu được giao năm 2022 về Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến nay, đã có huyện Lục Ngạn và huyện Lục Nam đạt yêu cầu nói trên, sớm về “đích” Bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tỉnh Bắc Giang đã nhìn nhận và đánh giá thường xuyên các hạn chế, vướng mắc để có chỉ đạo khắc phục. Đơn cử, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội trên địa bàn chưa thực sự đạt yêu cầu như mong muốn. Số tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc dễ có biến động giảm nếu tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thay đổi theo chiều hướng khó khăn. Số tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt kết quả cao, nhưng chưa bền vững và cũng chưa thực sự “phủ sóng” đến đông đảo nhóm đối tượng tiềm năng…
Những hạn chế nói trên sẽ được Uỷ ban nhân dân tỉnh chú trọng chỉ đạo để sớm khắc phục, đặc biệt nêu cao hơn nữa vai trò tham mưu và chủ động thực hiện của Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng như sự phối hợp của các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.
Do vậy, Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện hiệu quả Tháng cao điểm vận động người dân tham gia Bảo hiểm y tế và tiếp tục vận động, gia tăng số tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tháng 11. Đồng thời, các cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động tại các huyện, thành phố sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh nhanh chóng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu, nhất là các điểm thu, nhân viên thu ở các địa phương.
Đồng thời, chủ động tham mưu cơ chế nêu cao vai trò tham gia vận động Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở- bởi đây là đội ngũ sâu sát, trực tiếp nhất với người dân, hiểu người dân nhất, nên tham gia vận động Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình hiệu quả nhất.