Lãnh đạo Vinataba thăm trạm y tế xã Phước Trung do Tổng công ty tài trợ |
Người dân vùng cao có đường, có trạm y tế
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Bác Ái là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước có đa số là đồng bào dân tộc sinh sống như: Raglai, Chu Ru, Cơ Ho, Chăm, trong đó người Raglai chiếm 95%. Đời sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt do giao thông cách trở người dân rất vất vả trong khám chữa bệnh. Mỗi khi bị bệnh, bà con phải đi hàng chục km lên bệnh viện tỉnh Ninh Thuận để khám chữa bệnh, vừa tốn kém nhiều chi phí vừa mất nhiều ngày công lao động. Từ ngày huyện được Vinataba tài trợ xây dựng 3 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia tại 3 xã: Phước Thành, Phước Chính, Phước Trung, người dân rất vui mừng, trút bỏ được nỗi lo mỗi khi đi khám bệnh; việc chăm sóc y tế cộng đồng như vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh… cũng được cải thiện.
Trong giai đoạn 2009 - 2016, Vinataba đã hỗ trợ huyện Bác Ái hơn 24,1 tỷ đồng cho nhiều chương trình an sinh xã hội, phát triển cộng đồng thiết thực và hiệu quả. Cụ thể: Xây dựng các trạm y tế 7,9 tỷ đồng; xây dựng nhà tình nghĩa 3,3 tỷ đồng; xây dựng nhà ở 167 là 5,6 tỷ đồng; hỗ trợ học bổng: 355 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nghề truyền thống: 500 triệu đồng; hỗ trợ mô hình trồng lúa nước: 205 triệu đồng; hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất: 381 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng kinh tế xã hội: 4,5 tỷ đồng… Các chương trình, dự án đưa vào sử dụng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Dự kiến, năm 2017 Vinataba sẽ hỗ trợ huyện với kinh phí 6,9 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Xây dựng trường mẫu giáo Phước Đại, hỗ trợ nuôi dê sinh sản; xây dựng mới 20 nhà tình nghĩa…
Ông Mẫn Thái Phương - Chủ tịch UBND huyện Bác Ái - cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đặc biệt là nguồn tài trợ của Vinataba trong thực hiện các chương trình giảm nghèo; tình hình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%; sản xuất phát triển, đời sống của người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 8%/năm, góp phần giúp huyện sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tại huyện Hà Quảng (huyện miền núi phía Bắc tỉnh Cao Bằng với dân số trên 33.000 người, gồm 5 dân tộc anh em Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh cùng sinh sống), trong giai đoạn 2009 - 2016, Vinataba cũng đã hỗ trợ trên 24,3 tỷ đồng cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng ở địa phương như xây dựng trên 30km đường giao thông, nhiều trạm y tế… giúp người dân cải thiện đời sống.
Thoát nghèo và sinh kế bền vững
Theo lãnh đạo Vinataba, để giúp bà con thoát nghèo bền vững, ngoài các điều kiện vật chất trước mắt, quan trọng phải tạo ra sinh kế cho người dân địa phương như: Phát triển nghề truyền thống, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế… để người dân nâng cao thu nhập và đời sống.
Tại Bác Ái, Vinataba đã tài trợ 500 triệu đồng cho UBND huyện để triển khai dự án xây dựng làng nghề truyền thống tại thôn Suối Rua, xã Phước Tiến, giúp nhiều người dân có việc làm, tăng thu nhập, giảm tệ nạn xã hội và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương. Vinataba cũng hỗ trợ người dân trong huyện mô hình nuôi dê lai sinh sản đạt hiệu quả kinh tế cao.
Một lớp học tại huyện Bác Ái mới được đưa vào sử dụng |
Bên cạnh các chương trình 30a, Vinataba còn thông qua kế hoạch đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá trên 19 tỉnh, thành của cả nước nhằm vừa bảo đảm nguyên liệu ổn định sản xuất cho các nhà máy vừa phát triển loại cây trồng có thu nhập cao, ổn định cho người dân. Qua chương trình phát triển vùng nguyên liệu, Vinataba đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề với hàng ngàn lượt người tham gia; hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, hệ thống tưới tiêu, bao tiêu sản phẩm… cho nông dân tại nhiều huyện vùng cao chuyên canh trồng thuốc lá của Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận… nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấy rõ. Tại Gia Lai, trung bình mỗi ha thuốc lá trừ hết chi phí người dân thu về khoảng 70 - 80 triệu đồng, cao gấp đôi so với nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác.
Ước tính, Lạng Sơn có trên 11.000 hộ dân trồng thuốc lá, với nguồn thu hàng năm từ 200 - 250 tỷ đồng. Cây thuốc lá giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động tham gia sản xuất và 2.000 lao động tham gia các công việc phụ trợ khác. Các vùng trồng thuốc lá truyền thống như: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng... các hộ gia đình trồng thuốc có thu nhập từ 40 - 100 triệu đồng/vụ, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên cánh đồng thuốc lá.
Vinataba hiện đang phát triển vùng nguyên liệu, với diện tích trồng cây thuốc lá khoảng 30.000 ha/năm, hằng năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 200.000 - 300.000 lao động, chưa kể các công việc liên quan như thu mua, sơ chế, phân cấp... Có thể nói, nhờ trồng cây thuốc lá mà nông dân ở các vùng nguyên liệu đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Chương trình hỗ trợ của Vinataba cho huyện Hà Quảng và huyện Bác Ái sẽ được kéo dài đến năm 2020. |