Mặc dù được đánh giá là một trong những nước có tài nguyên titan lớn trên thế giới, nhưng ngành công nghiệp khai thác titan của Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa phát huy được lợi thế tài nguyên. Các doanh nghiệp sản xuất titan gặp rất nhiều khó khăn không chỉ bởi công nghệ mà còn bởi các loại thuế và phí kìm hãm cũng như chính sách quản lý nhà nước còn nhiều bất cập.
Ông Đào Công Vũ - Tổng Thư ký Hiệp hội Titan Việt Nam phát biểu tại hội nghị quốc tế về titan |
Theo ông Lê Văn Lịch - Chủ tịch Hiệp hội titan Việt Nam, hiện theo quy định, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải nộp 17 loại thuế, phí và lệ phí, ngoài ra còn các loại lệ phí không chính thức khác. Vì vậy không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ, dẫn đến phải giảm hoặc dừng sản xuất, thậm chí, giải thể, phá sản.
Trước thực tế đó, các đơn vị trong hiệp hội đã chú trọng đầu tư các dự án chế biến sâu để nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, làm chủ công nghệ sản xuất xỉ titan, hoàn nguyên ilmenit, nghiền zircon siêu mịn. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực, chủ động nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tìm các đối tác, các nhà tư vấn trong nước và quốc tế…
Điển hình như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã đầu tư thiết bị, công nghệ đồng bộ của ANIVI (Tây Ban Nha), Công ty CP Đất Quảng Chu Lai đầu tư thiết bị công nghệ đồng bộ của CHLB Đức. Nhờ đó, sản phẩm zircon mịn và siêu mịn của 2 đơn vị này đạt chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các đối tác hàng đầu thế giới như: Italia, Nhật, Mỹ… Thành công trên đã hạn chế tối đa việc phải chi ngoại tệ lớn để nhập khẩu loại sản phẩm này cho các ngành sản xuất trong nước.
Một thành viên khác của hiệp hội là Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Vimluki - Bộ Công Thương), chuyên nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến hoạt động khoáng sản nói chung và khoáng sản titan nói riêng. Vimluki đã có nhiều nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc điểm từng vùng mỏ của các đơn vị trong ngành titan. Từ đó, Vimluki đã tư vấn để thay thế, cải tạo máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ (đối với dự án đã đầu tư) và tư vấn thiết kế, lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại (cho các dự án đầu tư mới, cải tạo mở rộng) cho các dự án từ khai thác tuyển thô, chế biến tuyển tinh, đặc biệt là các dự án chế biến sâu như: Luyện xỉ titan, sản xuất zircon siêu mịn, rutin chất lượng cao, sản xuất ilmenite hoàn nguyên v.v… để các dự án, các nhà máy sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng các sản phẩm có giá trị thương mại cao, tận thu triệt để tài nguyên khoáng sản, và đặc biệt là đạt các tiêu chuẩn về môi trường.
Gần đây nhất, Vimluki đã tư vấn thiết kế và lựa chọn công nghệ, lựa chọn thiết bị cho Tập đoàn Rạng Đông để đầu tư xây dựng 3 dây chuyền sản xuất zircon siêu mịn với công suất 12.000 tấn/năm/1 dây chuyền và đang chạy thử để chuẩn bị đi vào sản xuất chính thức trong năm 2019. Đồng thời, viện tiếp tục hợp tác và tư vấn cho Tập đoàn Rạng Đông lựa chọn công nghệ, thiết bị, để lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất titan pigment.
Phát huy vai trò cầu nối
Có thể khẳng định trong suốt quá trình hoạt động, hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các đơn vị thành viên cũng như giữa doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội đã tích cực, chủ động tham gia cùng Vimluki làm việc cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh khác để sớm trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh trên cơ sở Quy hoạch theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương để giải quyết tình trạng chồng lấn diện tích của các mỏ titan với diện tích của các dự án khác, thống nhất diện tích và trữ lượng các mỏ được huy động cho kỳ quy hoạch, diện tích, trữ lượng dự trữ kể cả ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các dự án chế biến sâu tại các vùng, khu vực trong cả nước.
Ngoài ra hiệp hội cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác giữa các hội viên, như hợp tác giữa 3 đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là Công ty TNHH Kim Tín Quảng Bình, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình và Công ty CP Khoáng sản Hoàng Long Quảng Bình để xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản; liên kết, hợp tác giữa Công ty CP Đường Lâm với Công ty DAITCHI KIGENSO KAGAKU KOGYO CO.LID (Nhật Bản) để sản xuất hợp chất zircon (ZOC) tại Khu công nghiệp Cái Mép. Hiệp hội là cầu nối giữa các đơn vị hội viên với các đối tác nước ngoài cung cấp thiết bị công nghệ trong ngành titan như Outotec (Phần Lan), MD (Úc),…
Các thành viên hiệp hội khảo sát dây chuyền thiết bị chế biến titan tại Bình Thuận |
"Cởi trói" để cất cánh
Theo ông Lê Văn Lịch, để ngành công nghiệp titan phát triển xứng với tiềm năng và thế mạnh, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành cần sớm phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh theo Quyết định 1546/QĐ-TTg (23/9/2013) để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trở lại. Hiệp hội cũng đề nghị nhà nước có chính sách không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và giảm thuế tài nguyên từ 18% (2016) xuống còn 14% (2014), giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm chế biến từ titan…; ban hành hệ thống chính sách đồng bộ từ cấp phép khai thác mỏ cho đến đầu tư các dự án chế biến, để tạo thuận lợi cho cộng đồng các doanh nghiệp titan tái cơ cấu.
Bên cạnh đó, để công nghiệp titan phát triển bền vững, Chính phủ cần phê duyệt quy hoạch chế biến sâu titan theo hướng liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp để tránh tình trạng cấp phép tràn lan, manh mún, nhỏ lẻ gây ảnh hưởng đến môi trường, và khó khăn cho việc đầu tư các khu khai thác, chế biến tập trung cũng như đầu tư các nhà máy chế biến sâu; kiến nghị có lộ trình xuất khẩu hợp lý đối với quặng tinh ilmenite tồn kho; tổ chức các hội thảo, tọa đàm để kiến nghị lên các cấp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành titan.
Theo tính toán các loại thuế, phí và lệ phí đối với các loại khoáng sản chiếm từ 57-60% giá trị bán sản phẩm, cùng với đó chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp titan phải dừng hoạt động. |