Đại hội lần thứ VII và Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hiệp hội đã ghi nhận tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Hiệp hội và sự tin tưởng, trông đợi vào Ban chấp hành mới của Hiệp hội với nhiều kiến nghị từ các đơn vị hội viên.
Chặng đường ghi dấu nhiều nỗ lực
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã trải qua 6 kỳ đại hội, từng bước ổn định, củng cố tổ chức, phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Số lượng hội viên Hiệp hội đã tăng lên nhanh chóng, từ 25 hội viên trong giai đoạn mới thành lập đã tăng lên 58 hội viên.
Các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã từng bước đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, chuyển đổi nhanh chóng sang cơ giới hóa, tự động hóa, góp phần tăng chất lượng, sản lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp. Những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, chế tạo thiết bị trong nước đã giúp ngành thuốc lá Việt Nam phát triển nhiều giống cây trồng mới, đồng thời tự sản xuất, chế tạo nhiều máy móc thiết bị để thay thế nhập khẩu.
Trong 30 năm qua, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã nộp ngân sách tăng trung bình là 11,3%/năm, đến năm 2018 con số nộp NSNN đã tăng lên 18.009,9 tỷ đồng. Nhiều hội viên đang là đơn vị dẫn đầu nộp ngân sách tại địa phương.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống thuốc lá nhập lậu. Toàn ngành đã nỗ lực chống thuốc lá lậu thông qua nhiều hình thức, trong đó việc quan trọng nhất là các hội viên đã nỗ lực phát triển các sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm thuốc lá nhập lậu, xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng sản phẩm, xây dựng thành công hệ thống phân phối thống nhất qua nhiều cấp để chống thuốc lá nhập lậu thâm nhập. Thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tường Chính phủ, Hiệp hội đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, các cơ quan truyền thông trong công tác tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá. Nâng cao nhận thức của người dân không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp hội đã tích cực thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội. Trong giai đoạn 2013-2018, Hiệp hội đã trao được 754 cănnhà tình nghĩa, tình thương;phụng dưỡng 238 bà mẹ Việt nam anh hùng và thương binh; hỗ trợ theo Chương trình Nghị quyết 30A của Chính phủ được 30,080 tỷ đồng. Tổng số tiền Hiệp hội đã hỗ trợ cho công tác xã hội là: 329,066 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu chúc mừng tại Đại hội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam giai đoạn 2013 - 2018 trong việc tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước; đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước cũng như tham gia các hoạt động xã hội, tạo việc làm cho người lao động... Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, với vai trò là tổ chức đại diện cho các hội viên thuộc nhiều thành phần kinh tế, Hiệp hội cần làm tốt hơn nữa chức năng cầu nối giữa hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước, tiếp tục kiên trì kiến nghị các vấn đề chính đáng để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho hội viên.
Tại Đại hội Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam lần thứ VII, toàn thể hội viên đã nhất trí tuyệt đối bầu Ban Chấp hành và Lãnh đạo Hiệp hội nhiệm kỳ mới. Thay mặt Ban Chấp hành Nhiệm kỳ VII, ông Hồ Lê Nghĩa, tân Chủ tịch Hiệp hội hứa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và khẳng định, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhiều trông đợi và hy vọng
Với mục tiêu để ngành Thuốc lá Việt Nam hoạt động đúng các quy định của pháp luật, tại đại hội các hội viên Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã đề xuất các cơ quan liên quan có thẩm quyền một số kiến nghị. Cụ thể: Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai kiến nghị chưa thực hiện thuế thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2020.
Việc bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu là không công bằng đối với sản phẩm trong phân khúc phổ thông và trung cấp so với các sản phẩm cao cấp vì giá trị và lợi nhuận của các sản phẩm phổ thông và trung cấp thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm cao cấp. Mặt khác, đây là hai phân khúc chủ yếu của các sản phẩm thuốc lá mang thương hiệu Việt Nam.Ngoài ra, phân khúc phổ thông và trung cấp chính là phân khúc chủ yếu của thuốc lá nhập lậu, như vậy càng khuyến khích thuốc lá nhập lậu gia tăng.
Thuế suất thuế TTĐB đã tăng lên 75% từ ngày 1/1/2019 và mức trích Quỹ PCTHTL sẽ tăng lên 2% từ ngày 1/5/2019, nên việc áp dụng Phương án 1 để thu thuế TTĐB từ ngày 1/1/2020 sẽ làm cho các sản phẩm thuốc điếu trong phân khúc phổ thông và trung cấp khó có khả năng tồn tại, do giảm mạnh khả năng cạnh tranh với thuốc lá nhập lậu khi tình trạng thuốc lá nhập lậu chưa thể kiểm soát được và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai kiến nghị với Bộ Tài Chính chưa tăng thuế suất theo lộ trình từ ngày 01/01/2020; chưa thực hiện quy định về thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp cho đến khi các biện pháp để ngăn chặn thuốc lá nhập lậu hữu hiệu.
Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cũng cho rằng, hiện nay việc sử dụng quỹ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thể hiện được rõ nét các nguyên tắc, mục tiêu được nêu trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Việc công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ chưa được đảm bảo và thông tin từ Hiệp hội ghi nhận được là Quỹ hiện nay vẫn còn dư thừa. Vì vậy, cần có kết quả rà soát, đánh giá cơ chế quản lý Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước gia đoạn 2013 – 2018 để đánh giá hiệu quả và đảm bảo công khai, minh bạch.
Để việc quản lý, sử dụng Quỹ được hiệu quả và công khai, minh bạch kiến nghị Hội đồng quản lý Quỹ phải có đại diện đến từ Hiệp hội thuốc lá. Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn Đề nghị xem xét dừng không thu Quỹ PCTHTL, vì đến nay sau hơn 5 năm hoạt động, hiệu quả sử dụng Quỹ chưa được đánh giá và công bố công khai minh bạch. Trong trường hợp vẫn thu bổ sung Khoản 2 Điều 29 Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá: “để cho phép sử dụng 50% Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phục vụ cho các công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu”.
Theo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Vinataba trong sáu năm qua, Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung đã có đóng góp không nhỏ trong việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc lá, đưa hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong ngành thuốc lá đi vào nề nếp hơn trước đây. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của môi trường đầu tư, kinh doanh, sự chuyển dịch trong sử dụng sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm thay thế sản phẩm thuốc lá, Nghị định 67 đã bộc lộ một số bất cập, đặt ra nhu cầu cần ban hành nghị định mới sửa đổi, hoàn thiện các nội dung bất cập hiện nay. Cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định mới cần giữ nguyên quy định doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu đầu tư trồng cây thuốc lá theo hình thức liên kết đầu tư là đủ điều kiện được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá như Nghị định 67. Việc buộc doanh nghiệp thuốc điếu chưa từng có kinh nghiệm (hiện đang đầu tư theo hình thức liên kết đầu tư) phải đầu tư trực tiếp vùng nguyên liệu sẽ đặt ra gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp trong khi tính bền vững và chất lượng thuốc lá nguyên liệu do các doanh nghiệp này sản xuất ra sẽ là một dấu hỏi lớn. Do đó, không nên yêu cầu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá phải đầu tư trồng thuốc lá theo hình thức trực tiếp.
Thứ hai, Nghị định mới cần bổ sung việc cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cho nhóm Công ty mẹ - công ty con. Việc cấp Giấy phép cho nhóm Công ty mẹ - công ty con vừa giúp doanh nghiệp nhà nước khai thác tốt hơn nguồn lực trong toàn hệ thống vừa giúp tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, giữ được lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thành lập liên doanhsản xuất sản phẩm thuốc lá với đối tác nước ngoài.
Thứ ba, Nghị định mới và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần xem xét bỏ cơ chế quản lý năng lực máy, thiết bị chuyên ngành thuốc lá. Mục tiêu của việc kiểm soát năng lực máy móc, thiết bị là để kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên việc kiểm soát sản lượng này đã được thực hiện ngay từ khâu cấp phép sản xuất, thông qua sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu ghi trong Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cũng như thông qua việc cấp tem thuốc lá. Do đó, việc kiểm soát năng lực máy móc, thiết bị là không cần thiết, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất nhiều định dạng điếu khác nhau.
Bên cạnh đó, Vinataba cũng đề xuất Nghị định mới nên điều chỉnh quy định “phải sử dụng” thành “khuyến khích sử dụng trên 50% nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các nhãn thuốc lá trong nước”. Đồng thời, nghị định mới cần quy định “thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu đều bị tịch thu để tiêu hủy toàn bộ”....