Tiềm năng phát triển lớn
Trong 10 năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng XK chủ lực, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2018, XK đồ gỗ đạt 7,612 tỷ USD. Ngành gỗ Việt Nam đang nỗ lực đạt kim ngạch XK 9 tỷ USD trong năm 2018. Với kết quả này, ngành công nghiệp chế biến lâm sản được kỳ vọng tiếp tục duy trì sự tăng trưởng XK trong những tháng cuối năm để đạt 9 tỷ USD kim ngạch XK lâm sản năm 2018.
Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội |
Hiện, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch XK lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Theo tính toán, kim ngạch XK năm 2019 ước đạt 10 -11 tỷ USD, 12 - 13 tỷ USD năm 2020, 15 tỷ USD năm 2025.
Tại Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản XK”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu cho ngành gỗ đạt giá trị XK 20 tỷ USD năm 2025. Thủ tướng kỳ vọng, đến năm 2025, chế biến gỗ sẽ trở thành ngành hàng XK chủ lực, Việt Nam từ quốc gia phải nhập khẩu gần 70% nguyên liệu thành trung tâm sản xuất đồ gỗ chất lượng, xây dựng được thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới.
Phát huy vai trò cầu nối
Với vị trí chiến lược là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, gần với TP. Hồ Chí Minh, kết nối thuận tiện với cảng biển, cảng hàng không cũng như các vùng nguyên liệu gỗ trọng điểm ở vùng Đông Nam bộ, Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tỉnh tập trung nhiều DN chế biến gỗ với hơn 600 DN. Năm 2017, giá trị XNK của ngành chế biến gỗ Bình Dương đạt 4 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK ngành chế biến gỗ của Việt Nam.
Được chính thức thành lập năm 2009, BIFA là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, đại diện cho ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương; tổ chức hoạt động, xúc tiến thương mại tiếp cận thị trường; tư vấn chính sách cho nhà nước và phổ biến, cập nhật chính sách pháp luật đến hội viên; hợp tác với các tổ chức, hiệp hội quốc tế… Hiệp hội hiện có hơn 200 hội viên là các DN chế biến gỗ trong nước, kế hoạch đến năm 2020 sẽ phát triển lên 300 hội viên...
Xác định gỗ là một trong những ngành có tiềm năng lớn để phát triển mạnh, ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch BIFA - cho hay, DN ngành gỗ đang đứng trước những thuận lợi nhờ quá trình hội nhập sâu rộng. Bên cạnh đó, lực lượng công nhân ngành gỗ ngày càng có tay nghề. DN trong ngành cũng đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, thách thức cũng đến từ các chính sách bảo hộ mạnh mẽ của những quốc gia nhập khẩu và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cũng XK mặt hàng này.
Để ngành có động lực phát triển hơn nữa, ông Điền Quang Hiệp kiến nghị, cần tạo ra cơ chế phối hợp giữa nhà nước và hiệp hội, chính quyền địa phương; ổn định các chính sách của ngành. Bên cạnh đó, rất cần nhà nước hỗ trợ tỉnh đầu tư một trung tâm hội chợ đủ tầm cỡ để các DN trưng bày hàng hóa, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thành lập khu công nghiệp tập trung chuyên ngành chế biến gỗ. Qua đó, thúc đẩy sự liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành gỗ. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư nguồn nguyên liệu trong nước để tận dụng tối đa tác động của các hiệp định thương mại tự do.
Để tận dụng được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, ứng phó kịp thời với những biến chuyển, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần sự đoàn kết của các DN ngành chế biến gỗ. Nhận thức được những điều trên, ý thức được trách nhiệm mà các hội viên đã tin tưởng giao phó, BIFA sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa DN và cơ quan chức năng, kiến nghị những điều khoản có lợi cho việc tận dụng cơ hội, đẩy mạnh XK mặt hàng quan trọng này.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng, DN cần chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất lao động nhanh nhất có thể để bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng này. |