50 năm Hiệp định Paris: Nhớ lại chuyện đi vào lòng địch bằng phương tiện của địch Ngày này năm xưa 27/1: Ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam |
Nửa thế kỷ sau, phần lớn những người tham gia hoặc chứng kiến trực tiếp vào sự kiện lịch sử này đã không còn, nhưng đối với số ít những người còn lại, những kỷ niệm, cảm xúc vẫn đong đầy, mặc dù những đóng góp của họ rất thầm lặng.
Ông Michel Strachinescu lật từng trang album, xem lại những bức ảnh kỷ niệm, mắt rưng lệ. Ông nhớ lại khoảng thời gian 4 năm làm việc tại phái đoàn Việt Nam với tư cách lái xe của cựu Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi đó là Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973.
Ông Michel Strachinescu chia sẻ với phóng viên những bức ảnh kỷ niệm khi ông còn là lái xe cho Phái đoàn Việt Nam. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp |
Với ông đó là quãng đời đẹp nhất, tự hào nhất và cũng vinh dự nhất. Mặc dù đã gần đến tuổi “Bát thập cổ lai hy”, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về quãng thời gian đó. Ông cho biết: “Chúng tôi được Đảng Cộng sản Pháp điều động để phục vụ phái đoàn Chính phủ lâm thời Cách mạng miền Nam Việt Nam (Delegation GRP du gouvernement revolutionnnaire provisoire de la de la République du Sud du Vietnam). Khi đó Đảng đang phát triển rất mạnh và tôi là Bí thư một chi bộ ở Aulnay-sous-Bois, nơi tôi sinh sống. Vì tôi biết rõ đường phố Paris nên họ đề nghị tôi làm lái xe phục vụ đoàn và đặc biệt là bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn. Tôi đã vui vẻ nhận lời”.
Ông chia sẻ: “Trong suốt 4 năm đó, công việc của chúng tôi không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhiều khi phải lên đường bất kể đêm khuya hay đông lạnh, có lúc công khai, có khi bí mật, thậm chí nhiều lúc đi xe mà không bật đèn, đôi khi phải vi phạm luật giao thông để tránh những nhà báo luôn săn lùng và theo đuổi chúng tôi. Nhưng dù khó khăn, vất vả, chúng tôi vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Với ông, ngày ký Hiệp định Paris là ngày vui nhất, tuyệt vời nhất vì nó đánh dấu sự thắng lợi của phái đoàn Việt Nam, kết thúc gần 5 năm đàm phán vô cùng vất vả và căng thẳng, có lúc thành công, có khi thất bại. Ông Michel nhớ lại : “Để ăn mừng sự kiện vào ngày hôm sau, chính tay tôi đã làm một cái tháp bánh ngọt, và mở rượu sâm banh. Tuy nhiên, bà Bình đã nói với chúng tôi, đạt được hiệp định hòa bình là một thắng lợi, chưa phải là đã kết thúc, chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục đấu tranh. Ngày đó tôi không hiểu lắm, cứ nghĩ rằng ký kết xong có nghĩa là hòa bình sẽ đến Việt Nam. Nhưng sau này thì thôi thấy bà ấy đã nói đúng vì sau khi bà Bình về nước, Việt Nam đã phải mất thêm 2 năm sau đó để lật đổ được chính phủ ngụy quyền bù nhìn thì mới giành được hòa bình và thống nhất đất nước”.
Ông Michel Strachinescu cũng không quên kể về những chuyến thăm Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại và nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris. Với ông được gặp lại những người bạn Việt Nam, đặc biệt là được gặp lại bà Nguyễn Thị Bình là một món quà bất ngờ và tuyệt vời mà Nhà nước Việt Nam đã dành cho ông, và ông cũng là người duy nhất được mời tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ở Việt Nam, bởi vì đa số những người đã phục vụ phái đoàn Việt Nam thời điểm đàm phán đều đã không còn hoặc không thể đến Việt Nam để tham dự dự kiện.
Nói về lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris lần này, ông Michel cho rằng mình thật may mắn bởi vì rất nhiều đồng chí đã không còn nữa và ông là một trong số ít ỏi những người trong cuộc được chứng kiến sự kiện này. “Việt Nam là một đất nước tươi đẹp, là một điểm sáng của thế giới và tôi thấy vui về điều đó”, ông chia sẻ, với một sự cảm động dâng trào trên khóe mắt.
Ông Pascal Lê Phát Tân, con cháu thế hệ thứ hai của các Việt kiều, từng phục vụ các phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Paris giới thiệu thước phim do cha ông ghi lại ngày ký Hiệp định Paris. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp |
Ông Pascal Lê Phát Tân là con cháu thế hệ thứ hai của các Việt kiều từng phục vụ các phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán hiệp định Paris. Trong ký ức của ông, khi đó ông chỉ là cậu thiếu niên hơn 10 tuổi, lúc thì đến giúp mẹ chuẩn bị đồ ăn cho phái đoàn Việt Nam, khi lại theo bố trong những buổi quay phim chụp hình các hoạt động ủng hộ và đoàn kết với quê hương Việt Nam. Ông kể “Mẹ tôi được giao phụ trách hậu cần, đặc biệt là kiểm tra bếp núc, đồ ăn cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do bác Xuân Thủy làm Trưởng đoàn. Do đó, cuối tuần hoặc vào các kỳ nghỉ, tôi hay theo mẹ đến nơi phái đoàn ở, giúp mọi người nhặt rau, bóc hành, thái thịt. Tôi rất thích nói chuyện với các bác, các chú của phái đoàn vì họ rất dễ mến”. Với ông Pascal, ngày ký kết Hiệp định là một ngày không thể quên được.
Ông nhớ lại, cảm xúc nghẹn ngào : “Khi được thông báo Hiệp định sẽ được ký kết, mọi người vỡ òa trong sung sướng và phấn khởi. Từ sáng sớm chúng tôi đã kéo nhau lên metro đến đại lộ Kleber để chứng kiến sự kiện và chúc mừng phái đoàn Việt Nam. Lũ trẻ chúng tôi không bị an ninh kiểm soát nên giấu quanh người những chiếc lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay lá cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa của Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam. Đến nơi, chúng tôi phát cờ cho mọi người vẫy. Đại lô Kleber hôm đó ngập tràn cờ hoa, ảnh Bác Hồ và những người ủng hộ Việt Nam”. Vừa kể, ông Pascal vừa chỉ cho chúng tôi xem những thước phim quí giá ghi lại khoảnh khắc lịch sử này. Ông cho biết đây là những thước phim chưa hề công bố, do cha ông, cụ Lê Phát Tân ghi lại và được lưu giữ tại Trung tâm tư liệu Đảng cộng sản Pháp.
Là một trong những lứa sinh viên và thực tập sinh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt tại Paris vào thời điểm diễn ra lễ ký Hiệp định Paris, Đại sứ Văn Nghĩa Dũng cũng không thể quên không khí sôi động hào hùng của ngày 27/1/1973 lịch sử đó. Ông kể : “Cả một đoạn đường dài trước cung Hội Nghị Klebert, bà con Việt kiều cùng bạn bè Pháp và quốc tế đứng chật ních với rừng cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ngược lại, tuyệt nhiên không thấy cờ ba sọc của chế độ Sài Gòn hay cờ Mỹ trong đám đông”.
Theo đại sứ, khoảnh khắc ấn tượng nhất là khi đón đoàn xe dẫn 2 đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cố vấn Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thuỷ dẫn đầu và Đoàn chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. “Với tà áo dài duyên dáng và gương mặt rạng rỡ, khi bà Bình vừa xuống xe để vào Trung tâm Hội nghị, thì những tràng pháo tay không ngớt chào đón 2 đoàn, làm 2 đoàn dừng lại khá lâu để chào bà con Việt kiều cùng bạn bè Pháp và quốc tế. Ngược lại, khi đoàn Mỹ do ngoại trưởng Kissinger và đoàn chính quyền Sài Gòn do ngoại trưởng Trần Văn Lắm vừa xuống xe, liền bị những tiếng huýt còi la ó… nên cả 2 đoàn vội vã tiến nhanh vào cung hội nghị”, đại sứ Văn Nghĩa Dũng nhớ lại.
Theo đại sứ, Hội nghị Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam là hội nghị kéo dài nhất trong lịch sử với hơn 4 năm 8 tháng, vừa đàm phán công khai vừa trao đổi bí mật. Hội nghị cũng là dịp tập hợp rộng rãi phong trào bà con kiều bào hướng về đất nước. Toàn bộ ban lãnh đạo Hội và hàng trăm bà con Việt kiều trên khắp nước Pháp đã bỏ công việc làm ăn… trực tiếp tham gia giúp 2 đoàn đàm phán từ lái xe, cấp dưỡng, ăn ở đi lại… Đặc biệt phải ghi nhận sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp trong việc thu xếp chỗ ăn ở và bảo vệ an toàn cho cả hai Đoàn. Để ăn mừng Hiệp định được ký kết, hai đoàn đàm phán đã tổ chức chiêu đãi trọng thể với sự có mặt của khoảng hai ngàn quan chức, bạn bè và bà con kiều bào tại khách sạn Lutecia.
Bà Nicole Trampoglieri giới thiệu về Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định hòa bình Paris được tổ chức tại Choisy le Roi. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp |
Bà Nicole Trampoglieri tuy không tham gia trực tiếp vào các hoạt động liên quan đến đàm phán Hiệp định Paris, nhưng lại đại diện cho một thế hệ thanh niên Pháp, yêu chuộng hòa bình, phản đối thực dân và phân biệt chủng tộc, đó là lý do bà luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.
Bà kể: “Giai đoạn đàm phán hòa bình từ 1968-1973 là lúc tôi rời ghế nhà trường, bắt đầu đi làm và sinh đứa con đầu lòng. Lúc đó dù rất bận rộn nhưng cứ cuối tuần, vào phiên chợ sáng chủ nhật, chúng tôi lại tham gia vào gian hàng của Đảng cộng sản Pháp để vận động người dân quyên góp ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Khi Hiệp định được ký kết, chúng tôi đã rất vui mừng, nhưng chúng tôi cũng hiểu còn phải giúp đỡ Việt Nam rất nhiều vì đất nước này còn phải vượt qua nhiều thử thách”. Đó cũng chính là lý do, ngay cả sau ngày hòa bình lập lại tại Việt Nam và cho đến bây giờ, bà và những người bạn tại Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) của thành phố Choisy le Roi và Val de Marne vẫn tiếp tục vun trồng tình hữu nghị đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, đặc biệt là trong hợp tác với các địa phương.
Bà cho biết hiện ở Choisy le Roi, có rất nhiều địa danh liên quan đến Việt Nam như căn nhà ở phố Darthé nơi diễn ra các cuộc gặp bí mật giữa Lê Hữu Thọ và Kissinger, trường cán bộ đảng trung ương PCF, tòa nhà Maurice Thorez, nơi phái đoàn Việt Nam đã từng ở, hay biểu tượng của hòa bình Việt Nam ở nhạc viện thành phố, hay quảng trường Hiệp định Paris, nơi đã được khánh thành nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định lịch sử này ….
50 năm đã trôi qua, Hiệp định Paris vẫn để lại dấu ấn đậm nét đối với một số ít nhân chứng còn lại. Và những câu chuyện của họ sẽ giúp các bạn trẻ, dù là người Pháp hay người Việt Nam, sinh ra trong thời đại ngày nay, biết đến một trang sử hào hùng của các thế hệ cha ông đi trước, những người góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng, lập lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị Pháp - Việt được vun trồng trong suốt nửa thế kỷ qua.