Tại cuộc đối thoại đa bên này, các chuyên gia cùng thảo luận về các cơ hội để thực hiện hóa tiềm năng đầy đủ của ngành y tế tại Việt Nam, đặc biệt là làm thế nào để hình thành một môi trường kinh doanh dài hạn có tính dự đoán, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận cho bệnh nhân và gặt hái được các giá trị từ ngành dược phẩm phát minh. Giải quyết những thách thức ngắn hạn trong các quy định luật pháp chính yếu, ví dụ các vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận sản phẩm dược, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tại thông tư hướng dẫn đăng ký thuốc (Thông tư 32) và đảm bảo thực hiện tốt các quy định hiện hành như cơ chế đàm phán giá đối với biệt dược gốc theo quy định của thông tư đấu thầu (Thông tư 15) sẽ đảm bảo các cơ hội được mở khóa nhanh nhất có thể.
Cũng tại sự kiện này, KPMG Việt Nam đã ra mắt Báo cáo mới nhất với tiêu đề Giá trị của ngành Dược phẩm phát minh. Báo cáo này xem xét những lợi ích hiện tại và tiềm năng mà ngành công nghiệp dược phẩm phát minh có thể đem lại cho Việt Nam. Ông Luke Treloar - Giám đốc bộ phận tư vấn Chiến lược ngành y tế và đời sống của KMPG - cho biết, “Việc mở rộng khả năng tiếp cận với các loại thuốc tiên tiến và chăm sóc y tế chất lượng cao và một nền tài chính y tế bền vững sẽ đảm bảo Việt Nam đáp ứng các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình".
Theo báo cáo mới công bố, hiện nay, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị tăng từ 2,7 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 3,6 tỷ USD vào năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,6% dựa vào sự tăng trưởng trong giai đoạn từ 2015 - 2017. Từ đó cho thấy sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp dược phẩm, với 44.000 lao động đang làm việc.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có vị thế để tham gia chuỗi giá trị trong khoa học đời sống thuận lợi và sớm hơn một số quốc gia ASEAN khác và có thể thu hút nguồn đầu tư hơn nữa từ ngành công nghiệp dược phẩm phát minh để hiện thực hóa điều này.