“Nước chảy vô tình”
Tình trạng trẻ em đuối nước thương tâm xảy ra trên khắp cả nước ta dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, để lại nỗi day dứt trong lòng người ở lại. Những vụ đuối nước nguyên do chủ yếu là trời nắng nóng, trẻ em thường vui chơi, tìm nơi bơi lội dẫn đến gặp nạn.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mọi người không khỏi ám ảnh với sự việc đau lòng khi chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 2/5 đến 7/5), đã có 2 vụ việc đuối nước ở trẻ, cướp đi sinh mạng của 5 em nhỏ. Đáng chú ý, đã có 8 vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kể từ cuối tháng 3 đến những ngày đầu tháng 5 khiến 19 học sinh tử vong.
Mới đây, tại tỉnh Quảng Bình ngày 25/5, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã xảy ra một vụ đuối nước khiến hai anh em ruột tử vong khi đi thả lưới ở hồ. Thủ đô Hà Nội trưa ngày 28/5 cũng ghi nhận vụ đuối nước thương tâm tại hồ điều hòa làng Ngòi (huyện Hoài Đức) cướp đi mạng sống của 2 học sinh lớp 6.
Hè về, tình trạng trẻ em đuối nước lại gia tăng gây sự lo lắng cho xã hội. |
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính riêng trong chỉ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có ít nhất 14 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều này đặt ra câu hỏi cần làm gì và làm thế nào để phòng chống đuối nước?
Chia sẻ về vấn đề chống đuối nước cho trẻ và kỹ năng cứu người gặp đuối nước với Báo Công Thương, ông Nguyễn Sĩ Thương, giáo viên thể dục tại Trường THCS Kim Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, khắp các tỉnh thành tại nước ta, nhất là các tỉnh miền Trung đầy rẫy các sông, suối, hồ... với độ sâu lớn, nước siết do chảy từ đầu nguồn về. Để phòng tránh chống đuối nước cho trẻ nhỏ cũng như người lớn, mọi người nên trang bị cho mình vốn kiến thức nhất định về phòng chống đuối nước.
Đối với trẻ em, phụ huynh nên đưa con em mình đến các cơ sở, trường dạy bơi tại địa phương, giúp các em sẽ có kĩ năng bơi lội nhất định, các em có thể tự cứu mình trong các trường hợp không may. Nên sớm đưa trẻ đi học bơi khi các em đạt độ tuổi từ 3 – 6 tuổi, đây là độ tuổi dễ làm quen với bơi lội nhất. Còn đối với trẻ vị thành niên, thanh niên và người lớn, mọi người nên dành thời gian học thêm khóa bơi lội, đầu tiên là đảm bảo sự an toàn của bản thân khi đi du lịch đến các bãi biển, sông suối vào mùa hè, ngoài ra còn có thể rèn luyện được sức khỏe.
Phụ huynh nên đưa trẻ tham gia các khóa học bơi lội để tự rèn luyện mình. |
Đối với trường hợp nghi ngờ hoặc chứng kiến có người gặp đuối nước, chúng ta phải hô to lên để tìm kiếm sự giúp đỡ, đồng thời quăng những vật có thể nổi trên nước ở khu vực xung quanh xuống để người gặp nạn có thể bám vào. Và quan trọng, cần luôn để mắt đến người đang gặp nạn để xác định vị trí, khi có người có khả năng giúp đỡ đến sẽ nhanh chóng cứu được người gặp nạn hơn, đồng thời biết được độ siết dòng nước chảy để có phương án hỗ trợ.
“Khi người đứng trên bờ nóng lòng muốn nhảy xuống cứu người, cần biết được rằng mình có biết bơi hay không, có đủ khỏe để có thể kéo được người đang gặp nạn vào bờ. Chứ lúc hoảng hốt mà nhắm mắt nhảy xuống sẽ rất dễ bị kéo theo vào dòng nước xoáy và người gặp nạn cũng trong trạng thái hoảng loạn sẽ kéo mình theo, dẫn đến gặp nạn chung, nguy cơ tử vong của cả hai cao hơn và gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ", ông Thương nhắc nhở.
Bên cạnh đó, ông Thương cũng chia sẻ đôi chút về kỹ năng cứu đuối, đặc biệt là sơ cấp cứu nạn nhân. Theo ông Thương, khoảng thời gian “vàng” để cứu sống nạn nhân đuối nước chỉ khoảng 1-5 phút sau khi kéo được nạn nhân lên bờ. Lúc này, cần cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm cơ thể, đồng thời kiểm tra nạn nhân có còn thở hay không bằng cách kiểm tra mũi hoặc quan sát lồng ngực. Nếu nạn nhân ngưng thở thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo, và sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập thì cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Và sau khi nạn nhân đã tỉnh lại, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối bai bên vai, nới rộng quần áo tránh khó thở và liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Tăng cường phòng, chống đuối nước trong toàn xã hội
Trước tình trạng nhiều đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn còn thường xuyên xảy ra và ở mức cao ở một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 398/CĐ-TTg ngày 2/5/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân; Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước và hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và các điều kiện cần thiết liên quan và việc hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi, các dịch vụ liên quan cho học sinh, trẻ em.
Hãy để trẻ có một mùa hè thật vui, không lo đuối nước. |
Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã lập tức có Công văn số 639/ATMT-ATĐ ngày 04/5/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các hồ đập thủy lợi, thủy điện. Cụ thể, đề nghị các Sở Công Thương và các đơn vị chủ sở hữu công trình hồ chứa thủy điện, hồ thải quặng đuôi triển khai rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các khu vực nước sâu, nguy hiểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại công trình hồ chứa thủy điện, hồ thải quặng đuôi thuộc địa bàn, nhiệm vụ quản lý. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…). Bên cạnh đó thường xuyên tuần tra, giám sát, nhắc nhở kịp thời khi có hiện tượng tiếp cận các khu vực nguy hiểm dễ xảy ra đuối nước để đảm bảo an toàn vận hành công trình và tính mạng của người dân. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Có thể thấy, trên đây là những nỗ lực của Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể trong việc tăng cường phòng, chống đuối nước. Không nói quá khi việc phòng, chống đuối nước chính là trách nhiệm chung của toàn xã hội để bảo vệ mạng sống của con em chúng ta thời điểm này, cần thiết coi “chống đuối nước như chống giặc”.