Như Báo Công Thương đã thông tin, vào 3h10 ngày 4/6, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bị tin tặc tấn công mã hóa dữ liệu (ransomware). Ngay khi phát hiện sự cố, Bưu điện Việt Nam đã nhanh chóng kích hoạt kịch bản hành động, bám sát theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tập trung toàn lực để xử lý sự cố trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tối đa quyền lợi khách hàng, giảm thiểu việc gián đoạn trong cung cấp dịch vụ. Đến thời điểm 22h00 ngày 7/6, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ khách hàng và hoạt động quản lý vận hành của Bưu điện Việt Nam đã được phục hồi.
Bưu điện Việt Nam cho biết, đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty FPT-IS và các đối tác công nghệ, cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư công nghệ,… Do đó, đã cô lập sự cố, bảo vệ dữ liệu, từng bước phục dựng hệ thống song song với việc điều tra, phân tích chuyên sâu nguyên nhân.
Đến nay, mọi hoạt động liên quan đến các dịch vụ đã cơ bản hoạt động bình thường và chưa ghi nhận bất cứ dấu hiệu thiệt hại về tài chính nào. Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều phối lực lượng tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm mạng theo quy định của pháp luật.
Bưu điện Việt Nam gửi lời cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo cùng những hỗ trợ hiệu quả của các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân viên đã nỗ lực hết mình; đồng thời đặc biệt cảm ơn khách hàng, đối tác đã luôn đồng hành, cảm thông và tin tưởng vào Bưu điện Việt Nam trong suốt thời gian khắc phục sự cố vừa qua.
Hệ thống công nghệ thông tin của Vietnam Post hoạt động trở lại sau tấn công ransomware |
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, qua phân tích hơn 150 triệu cảnh báo về các nguy cơ bảo mật trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin xác định có hơn 300.000 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin trên toàn quốc.
Hệ thống của Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia - NCSC cũng ghi nhận hơn 13.000 sự kiện an toàn thông tin liên quan đến ransomware trên các hệ thống thông tin.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng nhìn nhận tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục gia tăng về tần suất và mức độ nguy hiểm.
Đáng chú ý, hình thức tấn công mạng bằng mã độc mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc (ransomware) đang ngày càng phổ biến và gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Việc các cơ quan bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp chưa triển khai đầy đủ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin theo quy định cũng gây khó khăn cho công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng công an.
Từ thực tế trên, Cục A05 khuyến cáo các cơ quan, đơn vị khẩn trương, ưu tiên tổ chức kiểm tra an ninh mạng; rà soát, gỡ bỏ mã độc trên máy tính (nếu có); sao lưu dự phòng dữ liệu quan trọng; tăng cường giám sát an ninh mạng để kịp thời phát hiện hoạt động tấn công mạng. Thực hiện rà soát việc tuân thủ của bộ phận kỹ thuật, cán bộ, công nhân, viên chức đối với chính sách quản lý, quy chế bảo đảm an ninh mạng, quy trình quản trị, vận hành.