Những vấn đề cần làm ngay sau sáp nhập tỉnh Những lưu ý khi mua 'đất sốt' vì tin đồn sáp nhập tỉnh Đồng Nai và Bình Phước từng sáp nhập, chia tách thế nào? |
Dàn cảnh giao dịch để tạo sóng "ảo"
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng "sốt ảo" khi xuất hiện các tin đồn về việc sáp nhập tỉnh. Nhiều cá nhân và nhóm đầu cơ đã lợi dụng những thông tin chưa được xác thực để thao túng giá đất, tạo ra những cơn "sốt" giả nhằm trục lợi. Điều này không chỉ khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh thua lỗ mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với thị trường và nền kinh tế.
Tại các tỉnh như Thái Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hưng Yên và Tuyên Quang, giá đất đột ngột tăng cao sau khi xuất hiện những tin đồn về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Các đối tượng đầu cơ thường sử dụng những chiêu trò quen thuộc như tung tin thất thiệt, tạo tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) để thu hút người mua. Ở một số địa phương có hiện tượng dàn cảnh giao dịch, mua đi bán lại trong nội bộ để đẩy giá lên cao nhằm tạo ra sự sôi động giả tạo trên thị trường.
![]() |
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những thông tin về sáp nhập tỉnh. Ảnh minh họa |
Hệ lụy của tình trạng này là không hề nhỏ. Khi cơn sốt đất qua đi, những người trót mua với giá cao có thể phải chấp nhận cắt lỗ để thanh lý tài sản. Trong khi đó, thị trường bị nhiễu loạn, dòng tiền đầu tư chảy vào bất động sản thay vì sản xuất và phát triển kinh tế. Đặc biệt, tình trạng này còn gây ra áp lực lớn đối với công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương, làm méo mó chính sách quy hoạch và phát triển đô thị...
Đất "sốt nóng", công an phải vào cuộc
Trước những diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để cảnh báo người dân về tình trạng "sốt" đất ảo.
Theo đó, Công an tỉnh Thái Bình vừa đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Nếu phát hiện hành vi gian lận, thao túng thị trường, nhà đầu tư cần sớm trình báo cho cơ quan công an gần nhất.
Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ sốt ảo trên địa bàn. Sở này cho biết, đến nay, lượng giao dịch tại các sàn vẫn hạn chế. Giá đất tăng cao có thể là chiêu trò "thổi giá" của "cò đất".
Hay gần đây nhất, tỉnh Bắc Giang cũng thông tin: Trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện hành vi dàn cảnh giao dịch, mua đi bán lại với chênh lệch lớn nhằm lừa dối người mua, tạo tâm lý thu lợi cao. Một số chủ đầu tư có dấu hiệu huy động vốn không đúng pháp luật và sử dụng nhiều hình thức bán hàng khi chưa đủ điều kiện...
Đồng thời, các địa phương cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm soát chặt chẽ tình trạng mua bán đất, công khai danh sách các dự án đủ điều kiện pháp lý để tránh tình trạng người dân bị lừa.
Trong bối cảnh này, các chuyên gia bất động sản khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, chỉ nên dựa vào các nguồn tin chính thống từ cơ quan nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Việc quyết định mua đất không nên dựa trên tin đồn mà cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về giá trị thực của bất động sản, tính pháp lý và tiềm năng phát triển. Nhà đầu tư cũng cần cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, bởi đó có thể là những cái bẫy từ giới đầu cơ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS - đưa ra cảnh báo, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất do tin tức thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá kỳ vọng, đã bị đẩy lên quá cao.
Lợi dụng tin đồn sáp nhập tỉnh để thổi giá đất không chỉ gây thiệt hại cho những người đầu tư thiếu kinh nghiệm mà còn tạo ra những hệ lụy lâu dài đối với thị trường bất động sản. Do đó, việc kiểm soát thông tin, siết chặt quản lý và nâng cao nhận thức của người dân là điều cần thiết để tránh những cơn sốt đất ảo, góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế bền vững. |