Bạn đọc đề nghị công an vào cuộc
Như Báo Công Thương thông tin, ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm.
Phiên đấu giá kéo dài khoảng 20 giờ đồng hồ, diễn ra xuyên đêm với kết quá trúng đấu giá cao hơn giá khởi điểm rất nhiều lần khiến dư luận xôn xao.
Theo đó, Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì). Mỏ này có diện tích 815.306m2, trữ lượng cát khai thác 4.899.000 m3, giá khởi điểm 19,29 tỷ đồng, bước giá đấu 965 triệu đồng. Giá trúng là 883,9 tỷ đồng, cao gấp 45 lần giá khởi điểm.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát xã Châu Sơn (huyện Ba Vì). Mỏ này có diện tích 169.300m2, trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536 m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng, bước giá là 144 triệu đồng. Giá trúng là 396,8 tỷ đồng, cao gấp 141 lần giá khởi điểm.
Công ty TNHH Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Liên Mạc (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội). Mỏ cát này có diện tích 157.300m2, trữ lượng cát 508.603m3, giá khởi điểm hơn 2,05 tỷ đồng, bước giá là 103 triệu đồng. Giá trúng là 408 tỷ đồng, cao gấp 200 lần giá khởi điểm.
Một trong những mỏ cát vừa được đấu giá với giá trúng cao gấp rất nhiều lần giá khởi điểm. Ảnh: Báo Dân trí |
Sau khi Báo Công Thương đưa tin kết quả trúng đấu giá, có bạn đọc đã gửi kiến nghị về Báo và chỉ ra nhiều điểm bất thường. Theo tính toán, với kết quả trúng đấu giá này, giá cát tại mỏ Tây Đằng – Minh Châu (chưa tính các loại thuế phí) là 180,7 nghìn đồng/m3; mỏ Châu Sơn là 564,4 nghìn đồng/m3; mỏ Liên Mạc là 802 nghìn đồng/m2.
Trong khi đó, theo công bố giá một số vật liệu xây dựng gần nhất (5/2023) của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, giá cát xây dựng được xác định theo khu vực. Khu vực ngoại thành như: Sơn Tây, Thường Tín, Đan Phượng, Thạch Thất giá cát xây 174.000 đồng/m3, cát đổ nền 172.000 đồng/m3.
Tại khu vực nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Hồ Tây, Hoàng Mai, Hà Đông, giá cát xây 179.000 đồng/m3, giá cát đổ nền 187.000 đồng/m3.
Tính bình quân giá cát trên địa bàn TP. Hà Nội là 180.000 đồng/m3, đã bao gồm các chi phí vận chuyển đến hiện trường, bốc xếp, vận chuyển nội bộ trong công trường, chi phí hao hụt bảo quản tại hiện trường...
Đối chiếu với kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát nói trên, các doanh nghiệp không thể có lợi nhuận. Bạn đọc cho rằng, vụ việc này rất có thể lặp lại kịch bản đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2021.
Mặt khác, bạn đọc đặt nghi vấn để duy trì lợi nhuận rất có thể các doanh nghiệp sẽ khai thác cát theo kiểu “huỷ diệt”, huỷ hoại lòng sông, khai thác sâu hơn cho phép nhiều lần dẫn đến sạt lở và tàn phá môi trường như đã xảy ra ở nhiều nơi. Đây là vấn đề cũng cần phải làm rõ và giám sát chặt chẽ.
Vì vậy, bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng và cơ quan công an vào cuộc để xác minh, làm rõ, đánh giá lại việc đấu giá quyền khai thác các mỏ cát nói trên; đặc biệt là công tác đánh giá trữ lượng tại 3 mỏ cát này, cũng như các mỏ cát sắp tới đấu giá.
Các doanh nghiệp trúng đấu giá mạnh cỡ nào?
Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP – đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Liên Mạc mới được “khai sinh” vào ngày 26/9/2023, do ông Lê Sơn Tùng làm người đại diện pháp luật.
Công ty có địa chỉ tại số 94 phố Trần Đăng Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương vào sáng 7/11, địa chỉ 94 Trần Đăng Ninh là nhà dân, cao 5 tầng, trước cửa không treo biển của Công ty KSP.
Đại diện công ty này cho biết, doanh nghiệp đang thu xếp tài chính để nộp số tiền trúng đấu giá.
Đơn vị trúng đấu giá mỏ cát Tây Đằng là Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh, được thành lập vào ngày 25/6/2012, do ông Nguyễn Văn Nha làm đại diện pháp luật. Công ty có trụ sở tại thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, công ty này có tổng tài sản gần 162 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 127,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 99 tỷ đồng, nợ phải trả là 63,4 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2022 của Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh đạt 124,1 tỷ đồng, lợi nhuận 21,7 tỷ đồng. Do chi phí quản lý doanh nghiệp lớn nên lợi nhuận cuối kỳ của công ty chỉ là 1,1 tỷ đồng.
Mặc dù kinh doanh có lợi nhuận, song dòng tiền của Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh trong năm 2023 lại âm hơn 23,5 tỷ đồng, buộc doanh nghiệp này phải đi vay số tiền lên tới 74,9 tỷ đồng để trả các khoản nợ gốc vay tài chính và nợ thuê tài chính.
Với tiềm lực tài chính như vậy, nhiều người cho rằng, sẽ rất khó để Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh thu xếp được số tiền lên tới hơn 883 tỷ đồng để nộp tiền trúng đấu giá và khả năng doanh nghiệp này bỏ cọc là rất lớn.
Còn Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn - đơn vị trúng đấu giá mỏ cát xã Châu Sơn được thành lập vào ngày 12/02/2009, do ông Ngô Thành Quý làm đại diện theo pháp luật. Công ty có trụ sở tại lô BT5 - OBT07, Khu đô thị Nam Võ Cường, đường Lý Thánh Tông, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Tại thời điểm 31/12/2022, công ty có tổng tài sản hơn 83,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ là hơn 30,7 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm công ty này có được ghi nhận từ khoản thu phát hành cổ phiếu, nhận góp vốn của chủ sở hữu với số tiền 56 tỷ đồng; nâng tổng số vốn góp từ hơn 48 tỷ đồng vào năm 2021 lên hơn gần 104,5 tỷ đồng vào năm 2022.
Trong năm 2022 và 2021, doanh nghiệp này gần như không hoạt động, nên lợi nhuận ghi nhận lần lượt chỉ là 643 triệu đồng và 758 triệu đồng. Kết thúc năm tài chính 2022, đơn vị này báo lỗ số tiền 653 triệu đồng, năm 2021 lỗ 1,4 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới thời điểm hiện tại của công ty này là hơn 24,4 tỷ đồng, khiến tài sản công ty giảm từ 104,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 83,4 tỷ đồng.
Theo báo cáo, kết thúc năm tài chính 2022, doanh nghiệp này có lượng tiền mặt dư dả lên tới hơn 50 tỷ đồng. Dù lượng tiền mặt không hề nhỏ, song để có thể thu xếp đủ tiền trúng đấu giá, công ty này vẫn còn thiếu khoảng gần 350 tỷ đồng. Đây là một con số khá lớn so với một doanh nghiệp tầm trung như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn, do vậy khả năng doanh nghiệp này bỏ cọc cũng là rất lớn.