Sự kiện ra mắt thương hiệu Molfix của Hayat nối tiếp khoản đầu tư 250 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam hồi cuối năm ngoái với mục tiêu mở rộng phân phối sản phẩm trong nước và khu vực thông qua nhà máy đặt tại Việt Nam.
![]() |
Nhà máy Hayay tại Bình Phước |
Theo Hayat, 90% lượng tăng trưởng dân số toàn cầu trong 50 năm tới sẽ đến từ Châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam đang được xem là một trong những thị trường tã trẻ em tiềm năng nhất của khu vực với dự báo tốc độ phát triển đạt mốc hai chữ số trong giai đoạn 2021-2027. Hayat hướng tới mục tiêu đáp ứng thị trường đang phát triển này với thương hiệu tã Molfix cùng dòng sản phẩm mới thiết kế riêng cho trẻ em Việt.
“Molfix chỉ mất 2 năm để vươn lên nắm giữ vị trí thứ hai tại tất cả các thị trường mới mà chúng tôi đã đầu tư. Ở Việt Nam, chúng tôi đặt kỳ vọng cao và nỗ lực không ngừng cho mục tiêu sở hữu 30% thị phần ngành hàng tã trẻ em vào năm 2025 với sản phẩm tã Molfix Made in Vietnam”, bà Chi Nguyễn - Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á của Hayat Việt Nam cho biết.
Công ty Hayat bắt đầu hoạt động từ năm 1987 dưới sự quản lý của tập đoàn mẹ Hayat Holding, một doanh nghiệp lâu đời có lịch sử từ năm 1937 khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến tới giai đoạn công nghiệp hóa. Bước tiến tại Việt Nam là chiến lược nối tiếp chặng đường thành công suốt hơn ba thập kỷ qua của Hayat tại các thị trường Đông Âu, Trung Đông và Châu Phi.
Hiện nay, Hayat có hơn 500 nhân viên tại Việt Nam và sẽ tiếp tục gia tăng đội ngũ để đáp ứng kế hoạch mở rộng các ngành hàng khác. Nhà máy Hayat tại Việt Nam đảm nhiệm vai trò là trung tâm sản xuất của toàn khu vực, dự kiến xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan và Malaysia, nơi đã thành lập sẵn các tổ chức và công ty thương mại của Hayat trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn hai, nhà máy Hayat tại Việt Nam sẽ cung ứng sản phẩm tới các thị trường tiềm năng khác trong khối ASEAN như Campuchia, Philippines, Lào và Indonesia. Tổng giá trị xuất khẩu của Hayat Việt Nam ước tính đạt 50 triệu đô la Mỹ/năm. Bên cạnh hạng mục tã giấy cho em bé hiện có, Hayat cũng có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy với sản lượng 60.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa với công suất 250.000 tấn/năm.
“Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư và hỗ trợ Hayat mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN”, ông Cetin Murat - Tổng Giám đốc Hayat Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Thue Quist Thomasen - Thành viên Hội đồng EuroCharm và CEO của YouGov Vietnam, việc đầu tư thành công của Hayat vào Việt Nam là một minh chứng cho thấy môi trường kinh doanh hiện tại đang dần khởi sắc. “Những doanh nghiệp đến từ Châu Âu tôn trọng tính bền vững, đề cao sáng tạo và là những đối tác lâu dài với Việt Nam. Nhờ vào hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, những người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được những sản phẩm hàng đầu trong khi doanh nghiệp Việt sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi tiếp cận được thị trường lớn nhất thế giới”- ông Thue Quist Thomasen cho biết thêm.