Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa năm 2024 (EEA 2024) là minh chứng cho sự gắn, hợp tác về hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ của 06 cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương bao gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Điện Lực, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Cao đẳng Công nghiệp Huế.
EEA 2024 đã thu hút hơn 400 đại biểu và chuyên gia tham dự |
Hội nghị đã thu hút hơn 400 đại biểu, chuyên gia đến từ 30 đơn vị là các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học.
Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa luôn được coi là mạch máu, hệ thần kinh và xương sống của một nền công nghiệp hiện đại. Sự ổn định và mạnh mẽ của Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa sẽ là nguồn động lực to lớn cho sự phát triển của nền công nghiệp và của mỗi quốc gia.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0) đang thay đổi toàn diện các ngành công nghiệp thông qua việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data). Trong bối cảnh đó, vai trò Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa càng trở nên then chốt, là nền tảng cho sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới.
PGS.TS. Phạm Văn Đông phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tin tưởng rằng: Việc tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật, tìm kiếm những hướng nghiên cứu, xu hướng công nghệ mới mà đặc biệt là các hướng nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu đối với các nhà khoa học nghiên cứu về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa. Các nhà khoa học sẽ chia sẻ những thành tựu, khám phá mới, những ý tưởng đột phá; tạo bước tiến vượt bậc thúc đẩy sự phát triển bền vững và khởi tạo những sản phẩm, dịch vụ mang tầm quốc gia, quốc tế.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, PGS.TS Đàm Sao Mai- Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Ngoài việc thảo luận các vấn đề khoa học, thì sự kết nối giữa các sinh viên, cán bộ giảng dạy giữa các đơn vị đào tạo tại diễn đàn giao lưu học thuật này thực sự có ý nghĩa rất lớn. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, các đơn vị đào tạo kỹ thuật sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nhiều mặt, đa loại hình, đa lĩnh vực, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu chung, thúc đẩy các công bố khoa học từ các nhóm nghiên cứu liên trường, tăng cường sử dụng chung cơ sở vật chất, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ cộng đồng.
Đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội trao Cờ đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần tthứ 2 cho đại diện Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh |
Tại hội nghị các diễn giả, nhà khoa học đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xanh và bền vững.
Từ các nguồn năng lượng sạch kinh điển như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt các nhà khoa học đã tiến xa hơn tới các nguồn năng lượng sóng biển, năng lượng gió ngoài khơi, nhiệt đại dương và năng lượng sinh học.
Các xu hướng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp đột phá, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, cũng như góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam đưa mức phát thải khí Carbonic về “0” (Net – Zero) vào năm 2050.
Hội nghị EEA 2024 đã nhận được hơn 200 báo cáo khoa học, trong đó, có 88 báo cáo được trình bày tại Hội nghị của các tác giả đến từ 8 quốc gia (Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Mozambique, Ba Lan, Pakistan và Việt Nam) với nhiều giải pháp, ý tưởng đột phá trên các lĩnh vực: Năng lượng và phát triển bền vững; Lưới điện thông minh, công nghệ lưu trữ và biến đổi năng lượng; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Ứng dụng điện tử công suất trong các hệ thống năng lượng; Công nghệ kỹ thuật nhiệt và điều hòa không khí; Công nghệ Cơ – Điện tử, Điều khiển chuyển động và Robot công nghiệp; Truyền tải năng lượng không dây; Điện tử viễn thông và điện tử y sinh; Hệ thống thu thập và truyền dữ liệu; Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; Các tiến bộ kỹ thuật trong công nghiệp.
Ban tổ chức tặng quà cho các diễn giả |
Tại 08 phân ban chuyên môn và 1 ban Poster, có tổng 80 báo cáo trực tiếp. Các báo cáo đã nhận được nhiều đóng góp quý báu và thảo luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Đã có 45 báo cáo Poster được trình bày tại Hội nghị. Phần lớn Poster có nội dung khoa học cao, súc tích, hình thức trình bày rõ ràng, đẹp mắt.
Trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và công tâm, Ban tổ chức đã thảo luận, thống nhất lựa chọn và quyết định trao giải cho các hạng mục: 08 báo cáo có nội dung xuất sắc, 08 báo cáo trình bày xuất sắc và 03 Poster xuất sắc nhất.
Những chia sẻ và thảo luận tại hội nghị cùng các nghiên cứu đã đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời là một trong những căn cứ vững chắc, gợi mở quan trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo ở các cơ sở đào tạo ngành Công Thương nói riêng và các cơ sở đào tạo khác nói chung trong giai đoạn tới.
Hội nghị quốc gia về EEA sẽ trở thành hoạt động thường niên, 2 năm/ lần. Theo đó, 6 cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương lần lượt đăng cai tổ chức. EEA lần thứ 2 (năm 2026) trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đăng cai tổ chức.