Ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đã chủ trì phiên họp thứ 8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương... (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp đánh giá trong nửa đầu năm 2024, công tác cải cách hành chính tiếp tục có những đổi mới, nỗ lực tạo đột phá.
Nhờ đó, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng. Đơn cử, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022.
Việt Nam cũng xếp thứ 46 trong 132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận và biểu dương nhiều sáng kiến mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến với nỗ lực tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Trong đó, có một số điển hình tốt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Trị, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính…
Trong đó, Hậu Giang là trường hợp rất đáng chú ý với nhiều sáng kiến mới. Tỉnh đã triển khai giải pháp "Đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ".
Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng thực hiện Đề án số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang vào ngày 12/4. (Ảnh: TS) |
Để "tinh giản biên chế, tinh đổi cán bộ", tỉnh đặt mục tiêu tinh giản 5% công chức, 10% viên chức theo lộ trình 2020-2026 mà Trung ương giao, đồng thời tinh đổi 5% công chức, 5% viên chức để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Để "cán đích" mục tiêu, Hậu Giang đã ban hành thêm chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu tự nguyện tinh giản biên chế, để tinh đổi, tuyển dụng cán bộ trẻ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm.
Tỉnh ủy cũng triển khai thêm Đề án 09 năm 2024 quy định về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thực hiện nhiệm vụ theo vị trí việc làm được phê duyệt, viết nhật ký làm việc hàng ngày theo mẫu điện tử để định lượng, đo lường và đánh giá hiệu quả công việc gắn với chức trách nhiệm vụ được giao.
Đề án được triển khai từ tháng 1/2024, bước đầu đã cho thấy khá nhiều cán bộ không kê hết mốc thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần.
Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, điều này chứng tỏ "cái thiếu hiện nay là thiếu người biết làm việc" và có 4 người đã dự định xin thôi việc.
Hậu Giang cũng triển khai thực hiện mô hình "Sử dụng máy tiếp nhận và trả kết quả tự động trong giải quyết thủ tục hành chính" tại 2 đơn vị cấp huyện là TP. Vị Thanh và huyện Châu Thành.
Việc triển khai các hệ thống tự động này giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, thuận tiện (ngay cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ), không cần phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, minh bạch hóa quy trình giải quyết thủ tục, tiết kiệm được thời gian.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang, về kết quả đạt được, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ đều xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc hàng ngày là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc của cán bộ, nên tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, thông qua việc thống kê nhật ký công việc đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, làm cơ sở để nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ. Nhiều cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đã chủ động đề xuất lãnh đạo giao nhiệm vụ cho mình. Giờ giấc làm việc hàng ngày của cán bộ có chuyển biến tích cực, tình trạng đi trễ, về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc bước đầu đã giảm rõ rệt. |