Tỉnh Hậu Giang sẽ mời gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm Tỉnh Hậu Giang kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp |
Tới dự và chủ trì hội thảo có ông Lê Công Lý- Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hậu Giang, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang; ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương cùng đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang.
Giá trị phát triển công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng lớn
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, năm 2004, sau khi được chia tách từ tỉnh Cần Thơ, toàn tỉnh chỉ có 01 cụm công nghiệp được thành lập, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh theo giá hiện hành chỉ đạt 3.523 tỷ đồng, với sự đóng góp của gần 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các đơn vị cá thể. Trình độ công nghệ và thiết bị của các doanh nghiệp vẫn còn lạc hậu, không đồng bộ, năng lực sản xuất thấp, lực lượng lao động còn thiếu, kết cấu hạ tầng chưa được đồng bộ.
Ông Lê Công Lý - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hậu Giang |
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hậu Giang có vị trí là vùng trung tâm của vành đai đô thị hóa Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của khu vực Nam Sông Hậu, kết nối các trung tâm đô thị trong vùng với các khu vực kinh tế khác của cả nước. Giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa và có khả năng kết nối, thông tuyến với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận. Bên cạnh sự thuận lợi từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Hậu Giang còn có sức bật lớn nhất là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp có sự phát triển vượt bật, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp trong ngành công nghiệp – xây dựng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao nhất.
Để thuận tiện trong công tác quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năm 2007, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang đã được thành lập nhằm quản lý các khu công, cụm công nghiệp tập trung. Đến năm 2009, đã sáp nhập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại thành Sở Công Thương để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Các khu, cụm công nghiệp được thành lập đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài và đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong nước. Ngoài ra, còn đảm bảo việc phát triển công nghiệp theo quy hoạch ngành và lãnh thổ, tiết kiệm nguồn lực phát triển hạ tầng, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.
Toàn tỉnh hiện có 235 doanh nghiệp và 4.967 cơ sở cá thể hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh đã thành lập 02 khu công nghiệp và 08 cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 1.078 ha; lũy kế đến nay đã thu hút được 114 dự án, có 77 dự án đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư của các dự án là 77.599 tỷ đồng và 3.802,5 triệu USD; tổng diện tích đất 2 khu và 8 cụm công nghiệp đã cho thuê là 600 ha, tỷ lệ đất được lấp đầy 77,3% tổng diện tích; giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động.
Các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đã đóng góp gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đến năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 41.785,06 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với năm 2004, chiếm hơn 81% cơ cấu khu vực II (công nghiệp, xây dựng) và gần 20% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,08%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng (khu vưc II): 5,32%, khu vực thương mại - dịch vụ (khu vực III): 0,89%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,38%. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 54,43 triêu đồng/người, tương đương 2.346 USD. Cơ cấu kinh tế giữa 3 khu vực I, II, III là 26,96% - 24,35% - 38,81%.
Hàng loạt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư
Trong những năm qua, công nghiệp Hậu Giang đã có sự chuyển dịch từ gia công, sản xuất hàng hóa thô sang chế biến sâu trong một số lĩnh vực chế biến thủy sản, nông sản. Chuyển dịch nội ngành công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành.
Tại Hậu Giang, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, sản xuất đồ uống, vật liệu xây dựng và sản xuất giấy, bao bì là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp, đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh với nhiều doanh nghiệp có quy mô trung bình đến lớn, giá trị xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo là thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.
Vận dụng linh hoạt các chính sách của Chính phủ Việt Nam, trên cơ sở vừa phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang. Tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của nhà đầu tư qua việc phân cấp và tập trung đầu mối cho các cơ quan chuyên ngành. Hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường và nguồn nguyên liệu chế biến đạt chất lượng cao. Hậu Giang đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025. Chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang có 08 đơn vị hành chính với 02 thành phố, 1 thị xã và 05 huyện. Trong đó, 7 đơn vị được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và 1 đơn vị thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Do đó, khi đầu tư vào tỉnh Hậu Giang nhà đầu tư được hưởng ưu đãi tối đa về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền chuyển mục đích sử dụng đất... tùy vào trường hợp cụ thể sẽ có mức ưu đãi phù hợp.
Không chỉ có chính sách khuyến khích với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư, mà Hậu Giang còn có lợi thế rất lớn kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ khi đây là tỉnh có dòng sông Hậu, một trong 2 nhánh sông lớn của sông MêKông, là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui, Cần Thơ đáp ứng cho tàu từ 10.000 tấn - 20.000 tấn. Hậu Giang còn có Kênh Xáng Xà No, kênh Quản lộ Phụng Hiệp là đường thủy quốc gia từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên đồng bằng đổ ra biển Tây, nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi Campuchia, biển Đông và các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Hậu Giang còn có 02 đường cao tốc sẽ đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang như: Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ, Sóc Trăng dự kiến hoàn thành trong năm 2026, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang dài 37 Km. Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành sau năm 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang dài 36,7km. Đường Quốc lộ đi qua: QL1A, QL61, QL61B, QL61C, QL. Quản Lộ Phụng Hiệp, QL. Nam Sông hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn,...
Hiện Hậu Giang cũng đang triển khai hàng loạt các dự án dịch vụ logistics như: Công ty Vinalines doanh nghiệp đầu tư Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang có 01 bến dài 150 m cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn (DWT), công suất khai thác cảng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm và đáp ứng nhu cầu tiếp nhận hàng thông qua của khu vực cảng biển nhóm 6; Công ty Vinafco đầu tư kho bãi, dịch vụ logistics; Công ty MeKong Logictics đầu tư kho lạnh và kho khô, dịch vụ logistics; Công ty TNHH MTV Thực phẩm Hạnh Nguyên đầu tư Trung tâm logistics nông sản xuất khẩu Hậu Giang.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp đón đầu "làn sóng" đầu tư
Nhằm tận dụng, nắm bắt những tiềm năng lợi thế vốn có, những năm qua, Hậu Giang đã sớm đưa ra đề án phát triển công nghiệp. Theo đó, phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang được phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2050 là xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất của các cụm công nghiệp. Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp và góp phần đóng góp vào quy mô tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của Hậu Giang. Bên cạnh đó, hình thành được một số cụm công nghiệp hiện đại, phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45% vào năm 2030; cơ cấu lao động trong khu vực công nghiệp đến năm 2025 chiếm 15,93% trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70% vào năm 2030.
Đến năm 2025, dự kiến Hậu Giang sẽ phát triển được 10 cụm công nghiệp.
Giai đoạn 2026 - 2030: Không phát triển thêm cụm công nghiệp, tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, đồng thời mở rộng 01 cụm công nghiệp.
Giai đoạn 2031 - 2050: Phát triển thêm 05 cụm công nghiệp mới. Tổng số cụm công nghiệp toàn tỉnh ít nhất là 15 cụm công nghiệp.
Đối với quy hoạch phát triển công nghiệp. Hiện nay tỉnh Hậu Giang được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang phát triển 02 Khu công nghiệp, diện tích khoảng 492 ha, với tỷ lệ lấp đầy trung bình 80%. Định hướng Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch mới 08 Khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, với tổng diện tích khoảng 2.233 ha, đồng thời giữ nguyên diện tích các Khu công nghiệp hiện hữu, tiếp tục kêu gọi lấp đầy diện tích còn lại.
Trong giai đoạn 2021 - 2025: Dự kiến phát triển 04 Khu công nghiệp với diện tích khoảng 784ha gồm: Khu công nghiệp Đông Phú: Diện tích khoảng 120ha. Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 2: Diện tích khoảng 220ha. Khu công nghiệp Đông Phú - giai đoạn 2: Diện tích khoảng 234ha. Khu công nghiệp Tân Hòa, diện tích khoảng 210ha.
Giai đoạn 2026 - 2030: Hậu Giang dự kiến phát triển 4 Khu công nghiệp với diện tích khoảng 957ha gồm: Khu công nghiệp Tân Bình: Diện tích khoảng 210ha. Khu công nghiệp Nhơn Nghĩa A: Diện tích khoảng 252ha. Khu công nghiệp Long Thanh: Diện tích khoảng 290ha. Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 3: Diện tích khoảng 205ha.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang là địa phương được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh các chính sách ưu đãi tốt nhất, Hậu Giang sẵn sàng chào đón và đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác đầu tư. Hậu Giang luôn coi "sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang" với quan điểm "Doanh nghiệp đến Hậu Giang vui" và khẩu hiệu hành động của tỉnh là "2 nhanh, 3 tốt" trong đó, 2 nhanh đó là "nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thủ tục đầu tư" và 3 tốt là "cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt".
Bên cạnh đó, tham dự hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, Hậu Giang cần hình thành các khu công nghiệp chuyên môn hóa như chế biến, trong đó chú trọng phát triển thủy, hải sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chủ động nguồn nguyên liệu. Trước khi làm việc này thì cần phải có đánh giá tổng thể về nguồn nguyên liệu, diện tích phát triển từ đó mới có cơ sở thành lập các khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, khi thu hút đầu tư, cần phải chú trọng mở rộng quy mô hoạt động của các doanh nghiệp đang phát triển ổn định, chứ không nhất thiết phải mở rộng hình thành doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, Hậu Giang cũng cần phát triển các ngành công nghiệp có năng lực tích tụ nguồn lực và phù hợp như lao động chất lượng cao, tiên tiến một số lĩnh vực, tích tụ về vốn. Với 3 trụ cột cần tích tụ như trên sẽ giúp địa phương có nền tảng phát triển công nghiệp theo hướng vừa đi tắt, đón đầu ở một số lĩnh vực, ngành nghề đồng thời giúp địa phương phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.