Dự án “tê liệt” theo năm tháng
Trong những năm 2012-2014, Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) do ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm Giám đốc ký hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (100% vốn Nhà nước) chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) 258 tỷ đồng để xây dựng Dự án Cụm chế biến nông, thủy sản Tây Nam với tổng mức đầu tư 689 tỷ đồng. Để được vay tiền, ông Nhân đã thế chấp toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay như nhà xưởng, máy móc…tại dự án này và nhiều tài sản là bất động sản có giá trị lớn khác.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tháng 11/2015, Công ty Tây Nam yêu cầu thanh lý hợp đồng với Agribank Cần Thơ. Do không thỏa thuận được, nên tháng 1/2016, hai bên đưa vụ việc ra Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) để giải quyết tranh chấp theo thủ tục dân sự.
Khi dự án của Công ty Tây Nam đang triển khai và TAND quận Ninh Kiều đã thụ lý và giải quyết tranh chấp thì bất ngờ ngày 24/12/2015, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án hình sự. Ngày 16/6/2016 khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - GĐ Công ty Tây Nam, điều tra về hành vi “Làm khống hồ sơ để lừa đảo tiền ưu đãi lãi suất của Nhà nước” tại Agirbank Cần Thơ. Mọi hoạt động phải ngừng lại từ thời điểm này.
Sau nhiều lần thay đổi tội danh, ông Nhân cùng 5 bị can khác bị điều tra, truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179, Bộ luật Hình sự 1999 với cáo buộc “gây thiệt hại” cho Agribank hơn 303 tỷ đồng.
Suốt từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều lần Cơ quan An ninh điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ thay đổi tội danh, tạm đình chỉ vụ án; nhiều lần ban hành Kết luận điều tra và cáo trạng. Tuy nhiên, phải đến ngày 7/1/2022 vừa qua, TAND TP Cần Thơ mới hoàn thành xét xử sở thẩm. Theo đó, Bản án số 01/2022/HS-ST của TAND TP Cần Thơ khẳng định bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và một số cán bộ của Agribank Cần Thơ không vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo quy định tại khoản 3, Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 1999.
Điều đáng chú ý, từng ấy thời gian ông Nhân rơi vào vòng lao lý thì cũng là khoảng thời gian Công ty Tây Nam và Dự án Cụm chế biến nông, thủy sản Tây Nam cũng hoàn toàn tê liệt, phải bỏ hoang. Hiện hàng ngàn mét vuông nhà xưởng cùng máy móc đã được đầu tư, xây dựng đang xuống cấp nghiêm trọng, nằm “dãi nắng dầm mưa” theo năm tháng.
Trả lời trên báo chí, ông Lâm Văn Tư - Phó Giám đốc Công ty Tây Nam cho biết: Kể từ khi khởi tố vụ án đến nay, không chỉ ngừng mọi hoạt động sản xuất, chủ doanh nghiệp còn phải thuê người trông coi, bảo vệ công trình, trả lãi vay ngân hàng... gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và lãng phí xã hội. Không những thế, hàng trăm công nhân đã được doanh nghiệp đào tạo nghề cũng hoàn toàn mất đi cơ hội việc làm.
Dự án của công ty Tây Nam bị đắp chiếu |
Tài sản của Nhà nước thiệt hại nặng nề
Liên quan đến vụ án này, ngày 7/1/2022, HĐXX TAND thành phố Cần Thơ đã tuyên Bản án số 01/2022/HS-ST trong đó khẳng định 6 bị cáo vô tội. HĐXX cho rằng, ngân hàng khởi kiện các bên ra tòa dân sự theo quy định pháp luật để đòi nợ theo các hợp đồng tín dụng là đúng quy định.
Tưởng chừng vụ án bị kéo dài sẽ được khép lại, tài sản của Nhà nước, cụ thể ở đây là Agribank sẽ thu hồi được toàn bộ khoản nợ gốc và lãi suất. Tuy nhiên, ngày 20/01/2022, Viện KSND TP Cần Thơ có Quyết định kháng nghị số 03/QĐ/VKSCT kháng nghị phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Chính vì vậy, vụ án chưa thể khép lại và tiếp tục phải giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước chưa thể thu hồi toàn bộ số tiền và tài sản của doanh nghiệp vẫn tiếp tục rơi vào…hoang hóa.
Theo một số luật sư nhận định có thể hiểu vụ án này kết quả xét xử phúc thẩm ra sao thì chủ thể cuối cùng bị thiệt hại vẫn là Nhà nước, cụ thể ở đây là Ngân hàng Agribank Cần Thơ.
Ở trường hợp các bị cáo (một trong các bên: Ngân hàng và ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân) phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” thì kết quả Hợp đồng Kinh tế giữa hai bên là vô hiệu. Công ty Tây Nam trả khoản vay gốc và Ngân hàng trả lại tài sản thế chấp. Như vậy, sau gần một thập kỉ cho vay 258 tỷ đồng, Nhà nước thiệt hại toàn bộ số tiền lãi.
Trong trường hợp nếu các bị cáo vô tội thì kết quả Hợp đồng tín dụng giữa hai bên là có hiệu lực. Công ty Tây Nam trả khoản vay gốc và lãi đến ngày khởi tố vụ án (24/12/2015). Như vậy, các bị cáo oan sai suốt hơn 6 năm, ngân hàng Agribank Cần Thơ không chỉ thiệt hại nặng nề về uy tín và thương hiệu mà còn phải gánh chịu mức lãi phát sinh lên tới 200 triệu/ ngày. Đương nhiên, vụ án càng kéo dài, ngân hàng có vốn Nhà nước này càng tiếp tục thiệt hại.
Vụ việc này đang cho thấy nhiều hệ lụy xấu, không chỉ tài sản của Nhà nước bị thiệt hại mà tiền bạc, danh dự, uy tín cá nhân của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt, nếu tình trạng nêu trên còn kéo dài hậu quả tất yếu xảy ra doanh nghiệp sẽ bên bờ vực phá sản. Đồng thời, tài sản đã thế chấp cũng mất giá trị khiến việc thu hồi vốn của ngân hàng bị ảnh hưởng.