Longform
16/04/2021 07:00
Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

16/04/2021 07:00

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của hoạt động xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều lĩnh vực kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, trong đó có ngành du lịch ở mức độ trầm trọng nhất. Theo ước tính, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam đã thiệt hại 20 nghìn tỷ, khoảng 1/3 doanh nghiệp lữ hành buộc phải ngừng kinh doanh; số lượng khách sạn hoạt động với công suất 10-20%.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của hoạt động xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều lĩnh vực kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, trong đó có ngành du lịch ở mức độ trầm trọng nhất. Theo ước tính, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam đã thiệt hại 20 nghìn tỷ, khoảng 1/3 doanh nghiệp lữ hành buộc phải ngừng kinh doanh; số lượng khách sạn hoạt động với công suất 10-20%. Vậy khủng hoảng Covid-19 đang đem đến những thách thức nào đối với hoạt động du lịch? Đâu là những giải pháp để giúp ngành du lịch trong nước vượt qua bão Covid-19? Ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Chủ tịch – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh Group đã có cuộc chia sẻ với phóng viên về những vấn đề này.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Thời gian qua, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng đã gặp nhiều biến động lớn do đại dịch Covid-19. Vậy, ông có thể khái quát bức tranh ngành "kinh tế xanh" của Việt Nam thời Covid-19?

Cho đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành du lịch là hết sức nặng nề và theo dự báo thì nó vẫn sẽ kéo dài trong một đến hai năm tới. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, du lịch khá may mắn khi ở trong một đất nước chống dịch thành công như Việt Nam, người dân có thể đi lại và du lịch vẫn có thể hoạt động, dù có những giai đoạn hạn chế, gián đoạn hoạt động.

Song so với trước đây, mức độ hoạt động của ngành du lịch trong nước vẫn còn ở mức rất thấp, khoảng 20%- 30% so với năng suất của chúng ta trước đây. Như vậy cũng có nghĩa rằng hàng triệu việc làm của người lao động đang bị ảnh hưởng.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Dẫu vậy, trong bức tranh màu xám của du lịch thời Covid-19, thì rõ ràng chúng ta dễ nhận thấy rằng ngành du lịch đã có rất nhiều thay đổi tích cực trong vòng 13-15 tháng qua. Du lịch Việt Nam đã có sự chuyển mình để thích ứng với bối cảnh mới, trong đó đã sớm đưa ra những quyết sách để đảm bảo cho sự vận hành an toàn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương trong việc điều chỉnh hoạt động để phục vụ những nhu cầu mới, những thay đổi do đại dịch gây ra và cuối cùng là toàn ngành công nghiệp không khói đã sớm chuẩn bị các phương án để mở cửa đón khách quốc tế an toàn nhất, để không bị bỏ lại phía sau so với các quốc gia trong khu vực.

Dịch Covid-19 ập đến khiến cho thị trường khách quốc tế hoàn toàn bị đóng băng và thị trường nội địa đang là cứu cánh và là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch. Điều này đang cho thấy thời gian qua chúng ta đang quá lơi là thị trường nội địa đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân. Quan điểm của ông như thế nào về vai trò, vị thế của du lịch nội địa?

Thời gian qua, chúng ta cũng đã có rất nhiều những trao đổi và thảo luận về xây dựng ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt đưa du lịch Việt Nam phát triển bền vững và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực. Thực tế, du lịch Việt Nam đã có những tiến bộ rất lớn trong những năm trước. Chúng ta có sự tăng trưởng thần kỳ về lượng khách quốc tế cũng như doanh thu của du lịch quốc tế và các sản phẩm du lịch trong những năm trước khi Covid-19 xuất hiện.

Tuy nhiên, Covid-19 xảy ra và buộc chúng ta phải đối diện và cần phải quan tâm hơn nhiều vấn đề, trong đó chính là việc nhận diện rõ nét hơn về tiếp cận đối với thị trường trong nước và thị trường gần chúng ta. Mặt khác, chúng ta cũng nhìn thấy những giá trị thực sự đối với sức mua của thị trường nội địa.

Ví dụ như tại Thiên Minh Group, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong tổng doanh thu 85% là từ du khách quốc tế và chỉ có 15% từ du khách nội địa. Nhưng từ tháng 4/2020 đến nay thì gần như 100% doanh thu phụ thuộc vào khách nội địa và so với mức mà trước khi Covid-19 xảy ra thì trong giai đoạn đầu lỗ 3-4 tỷ đồng/ngày. Trong khó khăn, với những điều chỉnh thị trường kịp thời, quản lý hoạt động doanh nghiệp hiệu quả, biết cách loại bỏ những chi phí không cần thiết đã giúp các công ty của Tập đoàn vận hành một cách hiệu quả và đều có lãi nhỏ bất chấp khó khăn chung của toàn ngành du lịch cũng như nền kinh tế.

Mặt khác, chúng ta cũng phải thấy rằng, thời gian qua những sản phẩm nội địa có nhiều cơ hội "lên ngôi" hơn nhiều trong cuộc khủng hoảng; cùng với đó là một số những sản phẩm cao cấp trước kia phục vụ phần lớn là thị trường khách nước ngoài thì bây giờ quay lại phục vụ người Việt Nam. Ví dụ như sản phẩm ngắm cảnh bằng thủy phi cơ tại Vịnh Hạ Long của chúng tôi, nếu như trước khi Covid-19 xuất hiện chỉ bay với số lượng hạn chế và phục vụ vài nghìn khách/năm nhưng năm 2020 nhờ chuyển đổi đối tượng phực vụ, sản phẩm đã tiếp cận với người Việt tốt hơn nên đã tôi tăng gấp đôi số lượng người tham quan vịnh Hạ Long.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Với những gì đang diễn ra trong đại dịch, tôi cho rằng, không có nghĩa là tất tất cả sản phẩm của chúng ta tập trung bán thị trường quốc tế là không bán được cho thị trường nội địa, mà điều quan trọng chính là chúng ta phải biết cách tạo ra sản phẩm đặc thù, có giá cả phù hợp và biết cách định vị tốt thị trường. Đặc biệt tới đây, cần phải nhận thức rõ rằng, thị trường nội địa cũng vô cùng quan trọng, không thể lơi là, bỏ quên.

Từ thực tế đó của doanh nghiệp, hiện tại và tương lai theo tôi thị trường nội địa chính là bệ đỡ ch0 doanh nghiệp và hiện đang còn dư địa rất lớn để ngành công nghiệp không khói khai thác. Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác được thị trường nội địa một cách hiệu quả và kinh doanh có lãi dù đối diện nhiều thách thức do dịch Covid-19 gây ra.

Và để phục hồi thị trường du lịch nội địa nhất thiết hàng không, cơ sở lưu trú, lữ hành phải bắt tay nhau thật chặt để tạo ra các tour sản phẩm kích cầu nhằm tạo gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh du lịch Việt Nam.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Một điều đáng quan tâm đó là dịch Covid-19 không chỉ đã làm xoay chuyển về vai trò của thị trường nội địa đối với ngành công nghiệp không khói, mà còn đang buộc ngành này phải chuyển mình, thậm chí tăng tốc chuyển đổi số. Năm 2020, toàn bộ ngành bị ảnh hưởng nhưng một số nền tảng du lịch trực tuyến như ivivu.com tăng trưởng cực kỳ tốt về cả số người truy cập cũng như sản phẩm đưa ra. Theo tôi, đây cũng chính là hướng đi then chốt, quan trọng đối với ngành du lịch hậu Covid-19 trong việc khai thác, phát triển thị trường nội địa.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Trong tâm bão Covid-19 vừa qua, có nhiều doanh nghiệp du lịch cạn kiệt sức lực, song cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực trụ vững bằng cách đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới, độc đáo thích ứng với xu thế mới của thị trường . Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải không ngừng có những sáng kiến mới để có thể tồn tại với bối cảnh hiện tại, thưa ông?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Hiện tại chúng ta may mắn có thể đi lại tương đối tự do trong nước; đồng thời xu hướng du lịch biển, du lịch thiên nhiên, xu hướng đi những đoàn nhỏ đang phát triển vì thế cần có sự linh động, sự hợp tác tốt hơn giữa các thành tố của sản phẩm như hàng không, các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành và các công ty vận chuyển khác.

c

Vấn đề là chúng ta phải nhìn thấy rõ những nhu cầu khác nhau ở cùng phân khúc thị trường để thể tạo ra các sản phẩm phù hợp như chúng ta đã từng làm với các thị trường quốc tế và coi đó đây không chỉ là tạm thời mà là xu thế phát triển thành một sản phẩm, một hệ thống sản phẩm tồn tại lâu dài.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn có những diễn biến phức tạp, thì ngành du lịch Việt Nam vẫn có thể sẽ phải chống chọi với những khó khăn kéo dài hơn hết năm 2021 hoặc cả năm sau nữa. Vì vậy, bắt buộc chúng ta biết cách chọn lựa thị trường đúng, biết xây dựng những sản phẩm phù hợp thì chúng ta mới có thể hoàn toàn tồn tại được.

Ngành du lịch đang thúc đẩy quá trình phục hồi du lịch nội địa. Tuy nhiên, mới đây Vietnam Airlines đã đề xuất về giá sàn máy bay với mong muốn giúp doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Theo ông đề xuất này nếu áp dụng thì sẽ tác động đến chương trình kích cầu du lịch nội địa trong thời gian tới như thế nào?

Trước hết, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất trong phát triển thị trường nội địa là có những sản phẩm chất lượng, phù hợp. Ví dụ nếu chúng ta biết tạo ra những sản phẩm ưu tú, phù hợp với nhu cầu thực sự thì chúng ta hoàn toàn có thể tính nhiều chi phí cao hơn và không nhất thiết quy đồng thị trường du lịch nội địa với mức chi trả thấp.

Thứ hai là vấn đề giá, quan điểm của tôi là không nhất thiết phải giảm giá để có thể có khách hàng. Chúng ta đều biết rằng, tất cả những công ty hàng không và các công ty du lịch của Việt Nam hoặc các hãng kinh doanh lưu trú lớn đều bị lỗ rất nhiều trong đại dịch Covid-19, nên ảnh hưởng lớn đầu tiên đến kinh doanh của doanh nghiệp chính là yếu tố thị trường.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ rằng việc tạo ra giá sàn không phải là một giải pháp mà cách tốt nhất là sự chia sẻ, hợp tác, sự hỗ trợ của hiệp hội nào đó, đại diện cho các hãng hàng không để có một mức giá phù hợp nhất với thị trường. Mặt khác, chúng ta vẫn phải có một cơ chế để đảm bảo rằng giá thành của sản phẩm phải đủ chi phí vận hành như vậy chúng ta mới có thể phát triển sản phẩm một cách bền vững và tốt được.

Mặt khác, về bản chất của một thị trường tốt có nghĩa là chúng ta không cần can thiệp về giá. Có nghĩa giá quyết định bởi khách hàng và nhu cầu cũng như dịch vụ cung cấp. Trong thời điểm hiện tại khi thị trường đang có nhiều biến động thì những chính sách can thiệp về giá hoàn toàn không cần thiết.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Trải qua liên tiếp các cú đánh bồi của dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch trong nước gần như cạn hết nguồn lực. Chính phủ cũng đã sớm có những giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp "hồi sinh". Tuy nhiên, với khó khăn kéo dài, doanh nghiệp du lịch cần tiếp tục phải có những chính sách gì hỗ trợ và khuyến khích họ duy trì hoạt động, cũng như vực dậy sau khó khăn?

Trong bối cảnh hiện tại, việc “cứu” các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Như, Chính phủ có thể đưa ra một số chính sách tài khóa hỗ trợ khoản vay phù hợp cho những công ty lữ hành, những khách sạn vừa và nhỏ vốn tiềm lực rất mỏng manh. Nếu chúng ta có cơ chế để giữ những công ty tốt thì sẽ rất thuận lợi khi chúng ta mở cửa trở lại và phục hồi nhanh hơn khi điều kiện đón khách du lịch quốc tế cho phép.

Theo đó, cần có những khoản bảo lãnh cho vay để các doanh nghiệp có thể trả lương hoặc đầu tư chuyển đổi số, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới. Mặt khác, trong thời gian ít nhất là 2 năm tới cần có một số chính sách thiết thực để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể tồn tại được bởi hiện các doanh nghiệp đã vô cùng yếu trong khi sức mua vẫn hạn chế, và thị trường thì chưa phục hồi hoàn toàn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh các chương trình kích cầu, tạo ra niềm tin tốt hơn cho người dân đi du lịch, đi tham quan. Đặc biệt, các cơ quan quản lý trong ngành cần có sự trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp để tạo ra những chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng cần phải có kịch bản chuẩn bị sẵn một kịch bản để đón du khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đúng không thưa ông?

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Đúng vậy. Thực ra, chúng ta đều biết rằng ngành du lịch chỉ có thể phục hồi khi biên giới mở cửa. Thành công của Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi là nền tảng, là cơ sở rất tốt để chúng ta có thể mở cửa, tuy vậy, yếu tố bắt buộc đó là chúng ta phải có đủ thông tin, có đủ sự an toàn cho người làm du lịch và khách du lịch. Theo đó, có lẽ cách tốt nhất là chúng ta tạo ra một số các mô hình thử nghiệm và đánh giá mức rủi ro về mặt y tế cũng như về mặt kinh tế; đồng thời càng sớm càng tốt có mô hình thí điểm đó thì chúng ta mới có thể mở cửa một cách an toàn.

Với những bước đi an toàn, chắc chắn, thì 3 đến 4 năm sau khi chúng ta nhìn lại giai đoạn hiện tại thành công của những quốc gia nào thực sự có những giải pháp căn cơ, có những cách thức tiếp cận hợp lý sẽ làm cho các quốc gia đó có lợi thế cạnh tranh mạnh so với khu vực và thế giới.

Và tôi tin rằng, với những hành động quyết liệt, thì 3 đến 4 năm tới chúng ta có cơ hội để đưa ngành du lịch Việt Nam trở thành một trong những nền du lịch đứng đầu khu vực Đông Nam Á và khu vực châu Á.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Du lịch đang hướng tới là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Chính phủ đang có những quan tâm đặc biệt, vậy với kinh nghiệm của người làm du lịch lâu năm, ông có thể chia sẻ thời điểm này có nên khởi nghiệp với du lịch ở hay không? Và với thành công chuyển đổi số của Thiên Minh Group, xin ông cho biết doanh nghiệp sẽ có những hỗ trợ gì để du lịch Việt Nam phục hồi, phát triển?

Đề cập đến khởi nghiệp theo tôi thì thời điểm nào cũng có thể triển khai nếu biết nắm bắt và nhận thấy các cơ hội. Thực tế, khi chúng ta ở trong thị trường đang bị biến động cực kì nhiều như bây giờ, có nghĩa là thị trường đã bị mất khoảng 75% doanh thu đãcó từ trước. Mặt khác, khi mọi thứ đang thay đổi rất nhanh thì đây chính là cơ hội tốt nhất để cho mọi cá nhân, đơn vị khởi nghiệp.

Bản thân tôi cũng khởi nghiệp từ năm 1995 là thời điểm thị trường có những thay đổi rất mạnh mẽ. Thiên Minh Group từ một công ty rất nhỏ đã phát triển thành một công ty tập trung vào cả bốn mảng kinh doanh với vài ngàn người hoạt động trên toàn cầu.

Có lẽ tất cả mọi thời điểm đều có thể khởi nghiệp được và đặc biệt là giai đoạn hiện tại nếu chúng ta biết cách chọn ra những phân khúc tốt, những nhu cầu mới và từng bước tạo ra những công ty du lịch, lữ hành xuất sắc.

Nói về chuyển đổi số, Thiên Minh Group đã đầu tư và triển khai ứng dụng nhiều công nghệ từ rất sớm, là một trong ít những công ty du lịch có đội ngũ công nghệ hùng hậu, sử dụng nhiều công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo kết hợp với các giải pháp trực tuyến.

Trước Covid-19, chúng tôi cũng đã hi vọng có thể làm một điều gì đó giúp cho ngành du lịch Việt Nam có thể chuyển đổi số hoặc tiếp cận với công nghệ, gia tăng năng suất lao động một cách hiệu quả hơn.

Thời gian tới, Thiên Minh Group cũng sẽ cùng với Tổng Cục du lịch đề xuất những giải pháp để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các địa phương, điểm đến ứng dựng công nghệ số, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, giúp cho họ tăng năng suất lao động. Đặc biệt, thông qua việc ứng dụng các nền tảng số, chúng tôi sẽ tập trung vào việc giảm chi phí, tăng cơ hội tiếp cận sản phẩm đến người mua.

Để du lịch nội địa nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng có thể phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều công việc phải tiến hành đồng bộ và thực hiện ngay. Bởi vì sự chủ động tích cực của một ngành kinh tế năng động sẽ giúp phục hồi nền kinh tế phục hồi nhanh hay chậm. Do đó, ngành du lịch cũng cần tận dụng tất cả những cơ hội dù nhỏ nhất theo hướng tích cực nhất để có thể phát thích ứng và phát triển.

Hậu Covid-19: Du lịch cần định vị lại thị trường

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thực hiện: Hoa Quỳnh - Thu Thuỷ

Thu Thủy - Hoa Quỳnh