Phát triển doanh nghiệp ICT được Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm |
Sứ mệnh tiên phong
Với xu thế sôi động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như quá trình chuyển đổi số, các DN ICT có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế nhiều tài nguyên không còn là vị thế, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố "sống còn" của DN và nền kinh tế. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Trước những yêu cầu phát triển mới, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều cần áp dụng công nghệ để thay đổi cách tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh. Đây vừa là thị trường vô cùng lớn để các DN ICT phát triển nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các công ty công nghệ là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các DN và toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Chính vì thế, phát triển DN công nghệ cần được coi là ưu tiên số 1.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - khẳng định, với sứ mệnh tiên phong, các DN trong ngành công nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam phải nỗ lực sáng tạo hết mình, tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao theo những xu hướng công nghệ mới như AI, robotics, tự động hóa, in 3D, IoT, Big Data…, đóng góp tích cực vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Trên thực tế, những DN Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, Bkav… đã tạo ra nhiều sản phẩm ấn tượng, nuôi khát vọng đưa sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên toàn cầu.
Phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT
Hiện nay, trong lĩnh vực ICT ở Việt Nam, có khoảng gần 50.000 DN đang hoạt động với doanh thu cỡ khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới của Bộ Thông tin và Truyền thông là có khoảng 100.000 DN; thay vì lắp ráp, gia công, chuyển hướng mới với những DN sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó xuất khẩu. Như vậy, chúng ta phải phát triển thêm 50.000 DN ICT tại khắp các tỉnh, thành phố để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển 4 loại DN công nghệ số. Thứ nhất, DN công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10 - 20 DN là các DN có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Thứ hai, DN công nghệ đã có 10 - 20 năm kinh nghiệm; hiện, chúng ta đang có hàng nghìn DN chủ yếu làm gia công, nay chuyển sang làm sản phẩm, tập trung vào các platforms (nền tảng) chuyển đổi số. Thứ ba, DN công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thứ tư, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội hiện tại mở ra cho tất cả DN công nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt quy mô lớn, làm chủ được các khâu quan trọng nhất và tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, ngoài nỗ lực của các DN trong việc phát triển các nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, sự hỗ trợ của nhà nước trong việc kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT: Đến nay, các DN, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp giải pháp cho chuyển đổi số. Với những nền tảng mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu, cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, sẽ là động lực để Việt Nam có thể bứt phá và bắt kịp tốc độ công nghệ vũ bão của thế giới. |