“Lối đi” nào cho các cơ sở karaoke? Bất chấp cấm, hàng trăm quán karaoke vẫn hoạt động trá hình, bị xử phạt gần 6 tỷ đồng Ám ảnh karaoke ngày Tết: Hàng xóm "gánh mẹ" từ sáng tới đêm |
Nỗi khổ không của riêng ai
Ngày 9/2, Báo Công Thương đăng tải bài viết Ám ảnh karaoke ngày Tết: Hàng xóm "gánh mẹ" từ sáng tới đêm.
Bài viết phản ánh về niềm vui ngày Tết của nhiều người, nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi tiếng karaoke ồn ào, bất kể đêm ngày của hàng xóm. Từ nông thôn đến thành thị, nhiều người phải "cắn răng" sống chung với tiếng ồn từ các dàn loa công suất lớn phát ra từ nhà hàng xóm.
Karaoke ngày Tết là nỗi ám ảnh với nhiều người. Ảnh minh họa |
Sau khi bài báo được đăng tải, Báo Công Thương nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc, như:
"Xóm nhà mình thì có khi hát tới 12h đêm luôn, có nhiều khi 3 nhà liền kề với nhà mình hát cùng một lúc. Ai mà nói thì họ bảo hát cho vui thôi, nhưng họ không nghĩ họ vui còn nhà hàng xóm thì mệt mỏi, nhất là những nhà có trẻ em. Nói mãi họ cũng không nghe nên cứ nói đến karaoke là mệt mỏi lắm".
"Đám tiệc, hiếu, hỉ còn thông cảm được, xóm tôi có nhiều người mang tư tưởng "hát cho đồng bào tôi nghe", hướng loa ra ngoài đường cho cả xóm cùng được tra tấn, cuộc nhậu càng kéo dài thì hát càng dở nhưng giọng càng to, bữa sau góp ý thì họ bảo lâu lâu mới hát, cuối tuần giải trí... Tết thì thôi rồi, ám ảnh cực độ".
"Đã có quy định phạt về vấn nạn karaoke. Khi những người không có ý thức hát karaoke thì chúng ta cứ gọi cho công an phường xuống giải quyết. Ý thức chỉ có con người mới có... Những người hát karaoke tra tấn hàng xóm là những người không có ý thức".
"Âm thanh nếu quá mức cũng là một loại ô nhiễm, dường như người ta chỉ chú trọng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm thực phẩm... chứ còn ô nhiễm âm thanh thì có vẻ như cứ phải "thông cảm", thật sự có những người giọng dở tệ xong cứ thích hát toáng lên làm ảnh hưởng đến người khác mới vui, không biết đến khi nào mới có và áp dụng quy định hay luật định cho việc ô nhiễm âm thanh này, mà việc này đâu phải có một vài nơi, chỗ nào cũng có luôn"
"Gia đình nào có điều kiện thì làm phòng karaoke, còn không thì đi quán để hát. Không nên để tồn tại kiểu ca hát gây ồn ào ảnh hưởng đến hàng xóm này. Chúng ta nên xử lý triệt để vấn nạn này"...
Xử lý như thế nào?
Trên thực tế, dịp Tết, nhiều người lấy lý do "một năm mới có một lần" để tổ chức tiệc tùng ồn ào với âm thanh lớn đến tận khuya, khi được nhắc nhở thì phản ứng, yêu cầu người xung quanh phải thông cảm cho mình.
Cạnh đó, tại nhiều khu dân cư, người dân chấp nhận chịu đựng tiếng ồn để dĩ hòa vi quý, khiến những người thiếu ý thức "được nước làm tới". Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vì thế cứ mãi kéo dài.
Trao đổi với PV Báo Công Thương dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Ba Đô - Giám đốc Công ty luật SJK LAW (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tại mục 2 QCVN 26:2010/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì các nguồn gây tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt không được vượt quá giới hạn sau: Tại khu vực thông thường như khu chung cư, nhà ở riêng lẻ... là 70 dBA trong khoảng thời gian từ 6 - 21h và 55 dBA trong khoảng thời gian từ 21 - 6h sáng hôm sau.
Luật sư Phạm Ba Đô - Giám đốc Công ty luật SJK LAW (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) |
"Như vậy, theo những quy định trên, việc người dân hát karaoke cho dù là ban ngày hay ban đêm nếu vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại (nếu có)", luật sư Đô nói.
Bên cạnh đó, pháp luật đã có quy định về vấn đề gây mất trật tự, ồn ào trong khu dân cư. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi hát karaoke gây ồn ào là hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng nếu được thực hiện trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Hành vi ca hát karaoke gây mất trật tự này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi.
Không chỉ gây ra tiếng ồn sau 22h đêm mới bị xử phạt, trường hợp cá nhân, hay tổ chức, cơ sở kinh doanh gây ra tiếng ồn vượt ngưỡng quy định của pháp luật cho phép thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Quy định các mức phạt vi phạm về tiếng ồn vượt quá mức cho phép trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP. Người hát karaoke có thể bị phạt tiền lên đến mức cao nhất là 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên |
Theo luật sư Phạm Ba Đô, trên thực tế, việc xử lý vi phạm do gây ô nhiễm tiếng ồn dường như còn rất khó thực thi. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình mình, mọi người nên làm đơn phản ánh, yêu cầu xem xét, xử lý gửi tới UBND phường nơi mình sinh sống để yêu cầu giải quyết. Việc yêu cầu cũng có thể làm đơn tập thể nếu những hộ dân xung quanh có chung ý kiến.
Cùng với đó, để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn ngày Tết, cần thực hiện nhiều giải pháp cả ở khía cạnh quản lý lẫn cư dân. Việc chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, không "du di" vào những ngày Tết là rất cần thiết. Việc tăng cường thông tin và nhận thức về ảnh hưởng của tiếng ồn đối với sức khỏe cộng đồng cũng quan trọng để mọi người có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn sự yên bình.
"Về phần người dân, mỗi người, mỗi gia đình cũng cần nâng cao ý thức pháp luật để hạn chế gây ra những hành vi ồn ào ảnh hưởng đến người khác, đồng thời quyết liệt nhờ đến sự can thiệp của pháp luật khi bản thân mình bị ảnh hưởng bởi những hành vi vi phạm", luật sư Đô nhấn mạnh.