Quản lý thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện ổ xăng giả quy mô lớn |
Chuyên án đấu tranh và điều tra mở rộng đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an tỉnh Đắk Nông với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.
Lực lượng chức năng đưa bị cáo Trịnh Sướng đến phiên tòa xét xử |
Kết quả đấu tranh chuyên án đã đạt mục tiêu đề ra, đó là bắt quả tang các đối tượng trong chuyên án, làm rõ toàn bộ đường dây sản xuất, buôn bán xăng dầu giả tại tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố, góp phần làm cho thị trường xăng, dầu được minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế các vụ nổ phương tiện chưa rõ nguyên nhân. Đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an.
Từ những khoản chiết khấu bất thường...
Qua công tác nắm tình hình về việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, nổi lên một số thông tin bất thường trong việc kinh doanh xăng dầu. Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu được các đối tượng chào bán với chiết khấu từ 3.500 đến 4.000 đồng/ lít. Cái giá này cao bất thường so với chiết khấu chung của Nhà nước. Sau khi cử cán bộ tập trung xác minh, làm rõ nguồn thông tin trên, để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức nắm tình hình, thực hiện một số hoạt động xác minh ban đầu.
Từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2018, cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành các biện pháp trinh sát; lấy 58 mẫu xăng các đối tượng bán tại các cửa hàng, đại lý có chiết khấu cao để kiểm tra, giám định. Kết quả kiểm tra, giám định phát hiện xăng A95 mức III, xăng E5 Ron 92 có những đặc điểm khác thường như chỉ số Octan không đạt Ron 95 và Ron 92, có mùi hôi không phải mùi của xăng thông thường, một số mẫu ướt, bay hơi chậm.
Câu hỏi đặt ra lúc này là xăng kém chất lượng hay xăng giả có đầu mối từ đâu?.Những đơn vị, cá nhân cung cấp, phân phối loại xăng này nhập lậu hay các đối tượng tự pha chế và công thức pha chế như thế nào? Và có ai kiểm tra chất lượng hay không, có liên quan gì đến nguyên nhân xe cháy nổ trong thời gian qua?
Để trả lời các câu hỏi đặt ra, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giao cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế, tiếp tục nắm bắt thông tin. Các trinh sát đã bám sát các xe bồn vận chuyển xăng kém chất lượng để tìm nơi nhận xăng và các cửa hàng, đại lý tiêu thụ loại xăng kém chất lượng này. Qua theo dõi, họ phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có hai nhóm đối tượng do Hồ Thị Nhẫn, Nguyễn Văn Hướng cầm đầu, chào bán xăng với mức chiết khấu cao bất thường từ 3.500 đến 4.000 đồng/lít cho các cửa hàng, đại lý xăng dầu tại Đắk Nông.
Các đối tượng này không phải thương nhân phân phối, tổng đại lý. "Xăng nhẹ", "dung môi" mà các đối tượng trao đổi thực chất là dung môi công nghiệp được hai đối tượng trên móc nối với các đối tượng tại Đồng Nai, Cần Thơ để mua bán, vận chuyển từ Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (TP Cần Thơ) và một số kho bãi tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai về Đắk Nông bán trực tiếp cho các cửa hàng, đại lý xăng dầu pha trộn với xăng rồi bán ra thị trường để thu lợi bất chính.
Từ kết quả xác minh về những hoạt động mua bán, vận chuyển dung môi về pha trộn, bán cho các cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận định đây là đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả với nhiều đối tượng; diễn ra ở nhiều địa bàn với phương thức và thủ đoạn rất tinh vi. Trong đó, Đắk Nông là một trong những địa bàn các đối tượng sản xuất, tiêu thụ và hai đối tượng Hồ Thị Nhẫn, Nguyễn Văn Hưởng là những mắt xích quan trọng trong đường dây này.
Ngày 1/11/2018, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định xác lập chuyên án trinh sát, đấu tranh với các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh lân cận. Chuyên án do Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban (nay là Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an).
Ngay sau khi có quyết định xác lập chuyên án, Ban chuyên án đã lập kế hoạch đấu tranh; lựa chọn đội ngũ cán bộ, trinh sát, điều tra viên có kinh nghiệm thuộc các phòng nghiệp vụ. Để đảm bảo sự thành công của chuyên án, yếu tố bí mật, bất ngờ được xem là việc quan trọng nhất trong giai đoạn đầu.
Theo đó, đồng chí Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, thường trực Ban chuyên án đã trực tiếp chỉ đạo hoạt động trinh sát; thành lập 3 tổ công tác. Thành viên của các tổ được phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; các tổ công tác duy trì thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời về thường trực Ban chuyên án và đồng chí Trưởng Ban chuyên án. Định kỳ hằng tuần, Ban chuyên án đều họp để nghe; đánh giá, phân tích thông tin trinh sát, tài liệu, chứng cứ thu thập được để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tổ công tác.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã thu thập đầy đủ thông tin về hoạt động của đường dây sản xuất, mua bán xăng giả tại địa bàn tỉnh Đắk Nông do Nhẫn và Hướng cầm đầu. Nhẫn mua dung môi công nghiệp của đối tượng Nguyễn Thị Kim Loan (trú tại Đồng Nai); Loan lại mua của Nguyễn Thị Thu Hoà, Phó Giám đốc, trực tiếp điều hành hoạt động của Công ty TNHH MTV Phạm Sơn (ở tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đối tượng Hướng mua dung môi trực tiếp của Hoà. Để có dung môi bán cho Loan và Hướng, Hoà mua của Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (ở tại quận Cái Răng); Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương ở tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và Công ty cổ phần Dầu khí Bình Minh tại tỉnh Hậu Giang.
... Đến việc bóc gỡ thành công đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả
Từ công tác trinh sát, ngày 24/1/2019, tổ công tác phát hiện xe ôtô BKS 60C- 377.77 của Loan vận chuyển dung môi từ TP Cần Thơ về Đắk Nông. Xác định đây là thời điểm thuận lợi để phá án, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã quyết định phá án một phần; bắt quả tang các đối tượng đang pha trộn dung môi, bột tạo màu vào xăng A95 tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Gia Nghĩa và huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Lắk. Thực hiện chỉ đạo, 22h30 cùng ngày, tổ công tác đã bắt giữ Sơn và Thuận.
Nhận định các đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, các thành viên Ban chuyên án đã giữ bí mật thông tin phục vụ việc mở rộng án. Đúng như nhận định của họ, sau khi có thông tin bị "xử lý hành chính", các đối tượng tổ chức lại hoạt động sản xuất, buôn bán xăng dầu với thủ đoạn tinh vi hơn, chủ động đối phó với các hoạt động của lực lượng Công an. Về phía Ban chuyên án, sau khi có kết quả giám định, xác định số xăng các đối tượng pha trộn là xăng giả, các trinh sát đã tập trung củng cố tài liệu, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, trong hai ngày 13 và 14/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Cùng thời điểm này, Ban chuyên án vẫn bố trí các tổ công tác tại các địa bàn tỉnh Đồng Nai, Khánh Hoà, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Nghệ An, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ theo dõi, giám sát các đối tượng; khi có thời cơ phá án, với phương án bắt quả tang, tuyệt đối giữ bí mật về hoạt động điều tra, trinh sát. Ngày 14 và 15/3/2019, Trưởng Ban chuyên án quyết định phá án giai đoạn 2; bắt quả tang tại Đắk Nông và Khánh Hoà 2 đối tượng đang vận chuyển và bán xăng không có hoá đơn, nguồn gốc. Đồng thời, đã tổ chức khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Thị Kim Loan tại Đồng Nai; giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ Loan và chồng là Hoàng Thuỵ Minh Việt, hai "mắt xích" quan trọng trong chuyên án.
Với tài liệu thu thập được, Ban chuyên án xác định đây là đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn, xảy ra tại địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, có nhiều đối tượng tham gia, thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi. Đối tượng chính là các đơn vị thương nhân phân phối xăng dầu và các đối tượng có hoạt động hoá chất. Trong đó, Ban chuyên án nhận định có các doanh nghiệp chuyên sản xuất dung môi, hoá chất, bán cho các đối tượng khác sản xuất xăng giả.
Xác định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, Trưởng ban chuyên án đã báo cáo đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập Ban chỉ đạo chuyên án do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban. Ban chỉ đạo chuyên án đã giao cho Công an tỉnh Đắk Nông chủ trì, tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, làm rõ hành vi của các đối tượng trong đường dây và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, tập trung mở rộng đấu tranh chuyên án, làm rõ toàn bộ phương thức, thủ đoạn, hành vi phạm tội của đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trên phạm vi cả nước.
Về phía các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp mua bán dung môi, sau khi nghe ngóng thấy Công an tỉnh Đắk Nông không điều tra sâu hay mở rộng đến, các đối tượng tiếp tục thay đổi phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội. Đối tượng cho người canh gác tại các kho, bãi, lắp camera theo dõi; chuẩn bị hoá đơn, chứng từ để đối phó… Để phá án đồng loạt, bắt quả tang hành vi phạm tội của các đối tượng trong đường dây, Ban chuyên án đã quyết định trưng dụng gần 200 cán bộ cảnh sát; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đồng loạt tổ chức bắt quả tang tại 5 địa điểm; 3 nhóm đối tượng do Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng cầm đầu và triển khai công tác khám xét, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thu Hoà để điều tra mở rộng vụ án.
Căn cứ vào kết quả điều tra xác định từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2019, các đối tượng đã sử dụng 7.429.813.239.925 đồng để mua bán 675.680.894 lít dung môi, hoá chất nhằm sản xuất hàng giả, hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng. Xăng giả được bán ra thị trường qua 700 cửa hàng, đại lý xăng dầu thuộc 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 5 vụ án đối với 5 nhóm đối tượng; khởi tố 39 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả; khởi tố 1 vụ án, 2 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".