Longform
03/06/2022 20:53
Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

03/06/2022 20:53

Không còn những quả đồi trọc, đất bạc màu, cây trồng cằn cỗi, “diện mạo” xanh mướt với hàng vạn cây mắc ca đang bắt đầu cho ra quả tại Điện Biên.
Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Không còn những quả đồi trọc, đất bạc màu, cây trồng cằn cỗi, “diện mạo” xanh mướt với hàng vạn cây mắc ca đang bắt đầu cho ra quả tại các huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên của tỉnh Điện Biên hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh.

---------

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Mắc ca được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại hạt, người nông dân trồng mắc ca đang có thu nhập cao bởi loại hạt này luôn trong tình trạng không đủ bán. Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn ở Dubai còn ngỏ ý liên kết làm ăn lớn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2021 thì Việt Nam đã có 29 tỉnh đã trồng cây mắc ca, diện tích đã trồng khoảng 18.840 ha với sản lượng hạt mắc ca trong năm 2021 ước tính đạt khoảng 8.514 tấn hạt NIS.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Với diện tích đất lâm nghiệp lên tới 694.753 ha, thuộc lưu vực đầu nguồn của sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông, rừng ở Điện Biên đóng một vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện lớn trên sông Đà, cung cấp nước cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, sau nhiều năm nghiên cứu và khảo nghiệm thực tế, tỉnh Điện Biên và Hiệp hội mắc ca Việt Nam đã quyết định chọn cây mắc ca, một loài cây xanh đa mục đích, có tuổi thọ dài, thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng của Điện Biên là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc. Đây đồng thời là cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân tạo vùng nguyên liệu đủ lớn để phát triển công nghiệp chế biến, cho ra những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, với mong muốn đưa Điện Biên trở “thành thủ phủ cây mắc ca” ở Việt Nam và trên thế giới, trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

Thực hiện chủ trương đó, trong thời gian qua, đã có 10 dự án trồng mắc ca của 09 doanh nghiệp - nhà đầu tư được tỉnh Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng tập trung là 62.782 ha. Các dự án được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích (50-60%) do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích (40-50%) thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hợp tác xã.

Đây được đánh giá là mô hình đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, khi triển khai thực hiện ban đầu còn có những băn khoăn, thắc mắc nhưng khi người dân đã hiểu, lợi ích chính đáng được đảm bảo thì các dự án trồng mắc ca đã nhận được sự đồng tỉnh ủng hộ rất cao.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Tại vườn mắc ca trĩu quả của Công ty cổ phần Him Lam Maccadamia Điện Biên tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, anh Cà Văn Than (người dân tộc Thái đen) cho biết, dù là cây trồng mới nhưng bước đầu mắc ca đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng trước đây như sắn, ngô…

Anh Cà Văn Than chia sẻ, năm 2014 đã bắt đầu trồng thử nghiệm theo lời giới thiệu của cán bộ xã. Ban đầu bản thân anh cũng phân vân vì chưa hiểu biết gì về cây trồng mới này. Nhưng nhìn diện tích đất đồi để không nên anh đánh liều trồng thử, không ngờ cho kết quả ngoài mong đợi. Từ đó, gia đình anh Than bắt đầu góp đất vào Công ty cổ phần Him Lam Maccadamia Điện Biên, được tỉnh hỗ trợ mua cây giống, công ty hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phân bón.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Đến nay, 1ha trồng mắc ca sau 5 năm anh Than dày công chăm sóc đã bắt đầu cho thu hoạch, năm đầu tiên ra quả chỉ được khoảng 70kg/ha, đến năm thứ 2 và năm thứ 3 sản lượng mắc ca thu về mỗi cây khoảng 7kg, cứ trung bình 1ha thu về từ 1,8-2 tấn. Dự kiến, các mùa vụ sau sản lượng sẽ tiếp tục tăng vì cây bước vào giai đoạn cho quả nhiều. Trong khi đó, vòng đời của cây mắc ca từ 50-70 năm, nếu được chăm sóc tốt thì lên tới cả trăm năm.

Không chỉ góp đất trồng mắc ca, vợ chồng anh Than còn được nhận vào làm công nhân. Công việc của anh chị hằng ngày làm cỏ và bảo vệ diện tích mắc ca với thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Có việc làm và thu nhập ổn định nên khó khăn của gia đình anh Than dần giảm bớt.

Không chỉ nhà anh Than, nhiều hộ nông dân ở đây cũng cho biết, mắc ca là loại cây dài ngày dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ bón phân từ 2-3 lần, dọn cỏ dại là cây có thể phát triển bình thường.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Ông Trần Công Nhì - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Him Lam Maccadamia Điện Biên cho biết: Cây mắc ca thực sự đã mang lại một luồng sinh khí mới cho bà con nơi đây. Từ chỗ e ngại, hiện tại nhiều hộ dân đã mạnh dạn góp đất với các doanh nghiệp để trồng. Việc trồng cây mắc ca bước đầu cho những kết quả rất khả quan, hiệu quả kinh tế mang lại là rất rõ nét, người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hiện, công ty đã trồng được 1.600 ha mắc ca, liên kết với hơn 1.000 hộ dân tại huyện Tuần Giáo, kết quả bước đầu cho thấy rất khả thi.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Theo ông Trần Công Nhì, sau 4 năm trồng khảo nghiệm trên toàn tỉnh, mắc ca cho kết quả tốt. Năm 2016, doanh nghiệp bắt đầu xuống giống ồ ạt và 3 năm sau đó hoàn thành 1.000 ha. Kế hoạch đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ trồng hoàn thành 10.000 ha mắc ca tại tỉnh này. “Điện Biên rất phù hợp với cây mắc ca. Năm đầu thu hoạch doanh thu vượt xa mong đợi”, ông Trần Công Nhì đánh giá.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam - nhận định, mắc ca là cây lâu năm nên có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp người dân an cư. Đây cũng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mắc ca trồng đến năm thứ 8 sau khi trừ hết chi phí sẽ cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/ha.

Thực tế tại Việt Nam, sản lượng hạt mắc ca cả nước mới dừng ở con số khoảng 8.500 tấn. Đa phần chỉ có các xí nghiệp nhỏ chế biến và tiêu thụ mắc ca. Sản phẩm làm ra cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhưng chưa nhiều vì không đủ nguồn cung, làm xuất khẩu chỉ để giữ mối khách hàng.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Huỳnh Ngọc Huy chia sẻ: “Vừa qua tôi đi Dubai tham gia hội nghị mắc ca thế giới. Nhiều doanh nghiệp lớn của quốc gia này kỳ vọng có thể liên doanh với Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca. Thế nhưng, tôi nói với họ bây giờ chỉ vào khảo sát, còn triển khai phải chờ đến 2025 khi đó vùng nguyên liệu mới đủ đáp ứng quy mô sản xuất lớn”.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Nhận định việc đưa mắc ca vào trồng tại vùng Tây Bắc còn phù hợp hơn đưa vào Tây Nguyên. Song, ông Huỳnh Ngọc Huy khuyến cáo phải trồng theo chuỗi liên kết, xây dựng vùng trồng tập trung. Nếu phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn cho việc xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn vào thời gian tới.Người dân có thể trồng mắc ca xen canh với các loại cây khác, hoặc chuyển đổi dần theo từng năm để “lấy ngắn nuôi dài”, tránh áp lực về nguồn vốn vì cây mắc ca trồng sau 4 năm mới cho thu hoạch quả.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Cây mắc ca đã khẳng định giá trị hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường rừng và đặc biệt ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm ở vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập. Đây là sự ghi nhận của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại lễ phát động trồng cây hưởng ứng: Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển cây công nghiệp chiến lược trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra mới tại tỉnh Điện Biên.

Ngay sau lễ ra quân trồng cây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã trồng vườn cây mắc ca tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) theo mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty Cổ phần Liên Việt Điện Biên.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Chủ tịch nước nhấn mạnh, diện tích cây mắc ca phát triển mạnh ở Điện Biên, Lai Châu và Tây Nguyên những năm gần đây khẳng định được hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ý nghĩa về an sinh xã hội khi tạo ra nhiều việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Thành công của cây mắc ca đã khẳng định đây là cây đa mục tiêu, là cây rừng rất có ý nghĩa về môi trường Việt Nam chứ không phải là cây ăn trái ngắn hạn. Trồng mắc ca để xóa đất trống đồi núi trọc khi diện tích này là rất lớn, cả nước vẫn còn khoảng 3 triệu ha.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Chủ tịch nước lưu ý, cây mắc ca được Chính phủ xây dựng đề ra chiến lược phát triển, đây là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh, thu hút đầu tư mở rộng diện tích trồng mắc ca. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng mắc ca phải làm chắc chắn trên cơ sở khoa học, thực tiễn nhu cầu thị trường, nhu cầu bảo vệ môi trường sinh thái để xóa đất trồng đồi trọc. Đây là vấn đề rất lớn của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc.

Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội mắc ca Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp phải phối hợp nghiên cứu nâng cao chất lượng cây giống, không để cây giống không tốt ảnh hưởng đến năng suất chất lượng; tăng cường kiểm soát để người dân tiếp cận được cây giống tốt với giá cả hợp lý.

Theo đó, để mắc ca phát triển bền vững thì phải thu hút nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế và các chính sách này phải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, Hiệp hội mắc ca Việt Nam nghiên cứu đề xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng, chế biến mắc ca.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Hiệp hội mắc ca Việt Nam phối hợp với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời là cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân và doanh nghiệp trong phát triển cây mắc ca theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, cung ứng dịch vụ để phát triển cây mắc ca hiệu quả và bền vững.

Hành trình phát triển cây mắc ca “tỷ đô” trên miền Tây Bắc

Ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam - chia sẻ: cây mắc ca rất phù hợp với vùng Tây Bắc vì tháng 10, 11 vào ban đêm nhiệt độ xuống dưới 18 độ nên phân hóa mầm hoa. Mùa ra hoa tầm Tết Nguyên đán không có mưa nên hoa sẽ không bị rụng.

Hiệp hội Mắc ca đang xây dựng chuỗi khép kín từ cây giống, trồng, chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó, LienVietPostBank sẽ hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người dân vay vốn để triển khai các dự án này. Đặc biệt, LienVietPostBank đã triển khai gói vay chuyên biệt dành cho hộ nông dân và doanh nghiệp trồng mắc ca, mỗi hộ dân được vay vốn ưu đãi để trồng 2 ha.

Cũng theo ông Huy, đây là chương trình này mang tính chất lợi ích xã hội, xóa đói giảm nghèo nên được ân hạn 5 năm. Tức là trong 5 năm trồng cây mắc ca, ngoài tiền LienVietPostBank giải ngân cho người dân, hàng năm người dân vẫn nhận được khoản tiền để chăm sóc cây. Bắt đầu năm thứ 6 ngân hàng mới thu hồi vốn, tối đa 10 năm theo năng suất của cây mắc ca. Đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và Hiệp hội để hỗ trợ cho cây mắc ca phát triển đúng theo định hướng mà Bộ Nông nghiệp cùng Hiệp hội Mắc ca đã đề ra.

Nội dung: Thùy Linh, Thu Trang

Đồ họa: Trang Anh

Trang Anh

Có thể bạn quan tâm

Cục Phòng vệ thương mại khánh thành ‘Lớp học hạnh phúc’ tại Điện Biên

Cục Phòng vệ thương mại khánh thành ‘Lớp học hạnh phúc’ tại Điện Biên

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa khánh thành ‘Lớp học hạnh phúc' tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

cuối năm 2025 cửa khẩu A Pa Chải (Điện Biên – Việt Nam) và Long Phú (Vân Nam – Trung Quốc) sẽ đi vào hoạt động