Khẩn trương dứt điểm các dự án tồn đọng
Trong nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các dự án thua lỗ của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh luôn khẳng định một mục tiêu xuyên suốt: chúng ta quyết vực dậy doanh nghiệp thua lỗ, đưa doanh nghiệp hòa nhịp bước cùng sự phát triển kinh tế - xã hội.
Khẩn trương dứt điểm các dự án tồn đọng |
Để có được kết quả khởi sắc của một số dự án như ngày hôm nay, phải nói đến một quá trình thống nhất và đồng lòng từ các cấp, cùng với các quyết sách đúng thời điểm của Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương.
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), đơn vị đầu mối thực hiện triển khai các bước, tiến độ xử lý 12 dự án của ngành Công Thương - cho biết: Sau quá trình rà soát, đánh giá tổng thể tình hình ở các dự án, được sự đồng ý của Thường trực Chính phủ, ngày 26/5/2017, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã trình Bộ Chính trị tại Tờ trình số 01-TTr/BCSĐ báo cáo về tình hình và phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Ngày 17/6/2017, Bộ Chính trị đã họp để nghe, cho ý kiến đối với báo cáo nêu trên và có Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến của Bộ Chính trị về vấn đề này. Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương thời gian qua.
Trên cơ sở ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1468/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương"; và ngày 14/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương ban hành Quyết định số 4269/QĐ-BCĐĐANCT về Kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án nêu trên giai đoạn 2017 - 2020.
Sau hơn 1 năm, Ban chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát tổng thể và đưa ra các giải pháp xử lý 12 dự án trên, nhiều dự án đã có chuyển biến đáng mừng. Trong 6 dự án đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn thua lỗ, đến nay, đã có 2/6 dự án thoát lỗ và bước đầu sản xuất, kinh doanh có lãi và được đề nghị xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án cần xử lý. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Cách đây hơn 1 năm, khi Ban chỉ đạo bắt đầu nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ, đi kiểm tra 9/12 dự án thì tình hình rất ảm đạm, vô cùng khó khăn, nhưng tới nay nhiều dự án đã có chuyển biến tốt".
Không vì thành tích mà đi vào thực chất
Ông Dương Duy Hưng chia sẻ, cùng với các dự án đã có lãi và đang vận hành sản xuất để giảm lỗ lũy kế, nhóm 3 dự án tạm dừng thi công, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tiến hành bán đấu giá lần 1 nhưng chưa thành công và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để bán đấu giá lần 2. Hai dự án còn lại cũng đang tìm đối tác để có thể vận hành trở lại. Đối với các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Công ty PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền ngày 10/4/2018 và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018.
Những khó khăn của các dự án cơ bản sẽ được giải quyết dứt điểm năm 2020 |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng trăn trở: "Đánh giá và đề xuất thế nào cũng phải bảo đảm bền vững, không thể để sau một thời gian vài tháng, vài quý, doanh nghiệp quay trở lại khó khăn thì lúc đấy, không thể vực dậy được. Không vì thành tích mà phải đi vào thực chất, vào tiêu chí cụ thể để vực dậy các doanh nghiệp thua lỗ".
Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương xác định, thời gian tới, với các dự án có tiến triển tốt như sản xuất phân bón, sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất, quản trị doanh nghiệp; rà soát, tiết giảm chi phí, lao động để duy trì nhịp độ sản xuất cao và hiệu quả hơn. Các biện pháp triển khai trong thời gian tới tiếp tục bám sát vào chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như phương án, lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đặc biệt là kế hoạch hành động cụ thể của Ban chỉ đạo với các bộ, ngành. "Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đến hết năm 2019, hy vọng những khó khăn của các dự án này cơ bản được giải quyết và đến năm 2020 có thể xử lý triệt để" - ông Dương Duy Hưng khẳng định.
Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các vụ chức năng trong việc bám sát tiến độ công việc để kịp thời trực tiếp xử lý khó khăn của những dự án trên. Bên cạnh đó, việc xử lý phải bám sát Quyết định 1468/QĐ-TTg; trong đó, tuân thủ triệt để nguyên tắc, phương án, giải pháp, lộ trình đã được phê duyệt. Đồng thời, bám sát 32 nhiệm vụ trong năm 2019 và 22 nhiệm vụ còn tồn lại của năm 2017-2018 (trong số 98 nhiệm vụ trong kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo đã giao cho các bộ, ngành, địa phương).
Với vai trò đầu mối và là thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương, Bộ Công Thương đang theo dõi rất sát tình hình, đôn đốc những bộ, ngành liên quan gỡ vướng mắc của các dự án theo tiến độ đã được phê duyệt. |