Bảng “xếp hạng” không mong đợi…
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, 5 dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của ngành Công Thương đã được nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, gồm các dự án: Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và Nhà máy đạm Ninh Bình.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong những dự án khởi sắc điển hình trong 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ ngành Công Thương |
Hơn một tháng sau, thêm 7 dự án cũng của ngành Công Thương được bổ sung, kéo dài thêm danh sách các dự án cần tái cơ cấu, bao gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Thép Việt Trung.
Theo đó, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là: 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.Trong tổng số vốn vay, vốn vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.
Những con số được đưa ra không chỉ làm “đau đầu” Chính phủ, các Bộ ngành về việc tìm phương án xử lý nhưng cũng là động lực và mệnh lệnh thôi thúc các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ tồn tại.
Để giải quyết triệt để và căn bản, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban. Việc xử lý các nhà máy, dự án này phải quán triệt chủ trương, các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 05, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII là: “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”. Tất cả nhằm mục tiêu kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.
Phương án xử lý 12 dự án được đưa ra là: đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhà máy còn năng lực sản xuất sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nguồn nhân lực, quản trị,… Dự án, nhà máy nào không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản,... theo quy định của pháp luật. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này.
… và những nỗ lực cắt lỗ
Sau gần 2 năm từ khi Quốc hội ra Nghị quyết 33 và hơn 1 năm từ ngày Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt xử lý 12 dự án, đến nay 12 dự án đều có chuyển biến tích cực. Nhiều dự án bước đầu tìm ra được phương án để có thể hoạt động trong bối cảnh không còn nguồn tiền ngân sách cứu trợ.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công Thương ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng báo cáo: Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận ước đạt 147,692 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung lợi nhuận ước đạt 527,24 tỷ đồng. 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, bao gồm: Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ 203 tỷ đồng, giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 110,78 tỷ đồng, giảm lỗ 324,82 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 701,845 tỷ đồng; Công ty DQS doanh thu thực hiện ước đạt 318,03 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 3,29 tỷ đồng. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018. Tới đây, PVTEX Đình Vũ sẽ tiếp tục vận hành toàn bộ dây chuyền và nhà máy.
Nhà máy Thép Việt - Trung đã hồi sinh và có lãi. |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét: “Cách đây 1 năm khi đi thị sát PVTEX, chúng tôi đã nghĩ tới việc phải bán sắt vụn nhưng đánh giá lại tình hình và gạn đục khơi trong tìm giải pháp thì nay dự án đã có sức sống”.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) thông tin thêm, đối với hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước) cũng như giấy Phương Nam trước đây gặp nhiều khó khăn, không khởi động lại được, nhưng đến nay nhiều vấn đề đã được giải quyết, xử lý để sẵn sàng khởi động khi điều kiện thị trường thuận lợi
Cũng theo ông Dương Duy Hưng, sau quá trình vận hành trở lại, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này đều giảm và đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018. Việc xử lý các dự án không những đảm bảo nguyên tắc không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà còn đảm bảo nguyên tắc thị trường và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, thu hồi cho ngân sách 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi…
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động của ngành Công Thương năm 2017, diễn ra vào đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những ghi nhận đầy khích lệ: Bộ Công Thương đã khẩn trương hoàn thiện Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Đến nay 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ, các dự án đều đã có lộ trình xử lý cụ thể.
Thực tế, ngay sau khi Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương, Bộ Công Thương cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vấn đề này với nhiệm vụ cụ thể giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, các đơn vị thành viên và người chỉ đạo xuyên suốt là Bộ trưởng. Sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các doanh nghiệp trong “danh sách đen” và của các cấp lãnh đạo Bộ không chỉ vì mục tiêu khắc phục, giải quyết những tồn tại mà hơn thế phải lấy lại thăng bằng để bước tiếp, làm hồi sinh những cỗ máy, dây chuyền tưởng như phải ngủ yên… Và bước đầu, đã có một số dự án hoạt động hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Sức khỏe” chung 12 dự án còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường, đặc biệt là thị trường nguyên liệu. Mục tiêu đối với các dự án là giảm thiểu tối đa thiệt hại của Nhà nước, bảo toàn vốn Nhà nước. Theo đó, đến năm 2019-2020 sẽ quyết liệt tập trung thực hiện xử lý để đạt mục tiêu đề ra. |
Kỳ II: DAP - Vinachem: Bốn giải pháp trọng tâm vực dậy sản xuất