Ấn Độ rà soát hoàng hôn lệnh áp thuế chống trợ cấp dây đồng nhập khẩu Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu |
Theo Cổng thông tin tình báo kinh tế của Pháp, dù mới đây vẫn còn được coi là một nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ nay đã có khả năng trở thành một người khổng lồ của thế giới. Với việc theo đuổi triết lý đa cực và tự cung tự cấp, chiến lược xây dựng sức mạnh của Ấn Độ được thực hiện thông qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ về kinh tế và chính trị dưới thời Thủ tướng Modi.
Bước khởi đầu sự trỗi dậy của Ấn Độ
Từ cuối những năm 1990, Ấn Độ đã có thể xác định và khai thác các thời cơ chiến lược trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đánh dấu bước khởi đầu của sự trỗi dậy về kinh tế trong một lĩnh vực chiến lược. Một trong những yếu tố khởi nguồn là mối lo về lỗi Y2K, vốn yêu cầu cập nhật hệ thống máy tính trên toàn cầu. Với nguồn nhân lực tin học dồi dào có tay nghề cao và sử dụng tiếng Anh, Ấn Độ đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu này. Infosys và Tata Consultant Services đã nhanh chóng trở thành những công ty dẫn đầu trong việc cung cấp các giải pháp cập nhật và bảo trì phần mềm cho khách hàng quốc tế. Khả năng cung cấp nguồn nhân lực lớn với chi phí cạnh tranh đã giúp Ấn Độ trở thành nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực gia công phần mềm thuê ngoài.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters |
Các kỹ sư tin học Ấn Độ đã chứng tỏ năng lực đáng kể trong việc thích ứng với thực tiễn kinh doanh toàn cầu, từ đó tạo điều kiện cho họ xâm nhập các doanh nghiệp quốc tế và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường quốc tế. Chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình đào tạo thường xuyên, tạo điều kiện cho những chuyên gia này luôn cập nhật các công nghệ tiên tiến và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chiến lược này đảm bảo lực lượng lao động lành nghề và linh hoạt sẵn sàng đối phó với những thách thức của nền kinh tế số toàn cầu.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ sau năm 2000 được đánh dấu bằng sự phát triển của các trung tâm công nghệ lớn như Bangalore và Hyderabad. Những thành phố này đã trở thành trung tâm đầu não của ngành công nghệ thông tin và được hỗ trợ bằng việc thành lập các đặc khu kinh tế và khu công nghệ cao với các ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng phù hợp. Sự thành công của các trung tâm này đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, củng cố hơn nữa vị thế quốc gia dẫn đầu toàn cầu của Ấn Độ về các dịch vụ hỗ trợ văn phòng.
Ngày nay, đây là nơi cư trú của những gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft và Amazon, khi tất cả các hãng này đều đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhờ nơi đây có sẵn năng lực và môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Ấn Độ đang nổi lên như một “công xưởng phần mềm” thực sự của thế giới, phát triển và duy trì các hệ thống công nghệ thông tin làm nền tảng cho nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, để duy trì vị thế này, Ấn Độ phải liên tục đổi mới và thích ứng với các công nghệ đột phá mới, như trí tuệ nhân tạo, cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia mới nổi khác trong một số lĩnh vực nhất định. Đồng thời, quốc gia này có vị thế tốt để mở rộng sự hiện diện của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu về chất bán dẫn. Thành công trong lĩnh vực này sẽ cho phép Ấn Độ củng cố hơn nữa những thành quả của các chương trình đầu tư trước đây vào công nghệ thông tin và kỹ thuật số.
Modi - nhà hoạch định vĩ đại
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, ông Narendra Modi đã nổi lên như một nhà hoạch định cho một Ấn Độ tự do thời kỳ hậu 1990. Mục tiêu của ông là theo đuổi và khai thác tiềm năng kinh tế của đất nước để trở thành cường quốc thế giới. Ông Modi đã đưa ra một loạt cải cách và tái cơ cấu nhằm chuyển đổi bộ máy kinh tế chính trị của Ấn Độ. Những cải cách này được thiết kế nhằm đơn giản hóa thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đảm bảo kiểm soát hiệu quả các dòng chảy kinh tế nội địa và chống tham nhũng. Dường như ông có tham vọng biến Ấn Độ thành một cỗ máy kinh tế có khả năng cạnh tranh với các siêu cường Mỹ và Trung Quốc trên toàn cầu.
Sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” là bước đầu tiên. Được triển khai vào tháng 9/2014, chiến dịch này nhằm mục đích biến Ấn Độ thành một trung tâm về công nghiệp. Tiếp đó, chiến dịch này khuyến khích các công ty trong nước và quốc tế sản xuất sản phẩm của họ trên đất Ấn Độ. Bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính và đưa ra các ưu đãi thuế, “Sản xuất tại Ấn Độ” đã thành công trong việc thu hút hàng tỷ USD vốn FDI và tạo ra hàng triệu việc làm. Lĩnh vực sản xuất đã đạt được những thành công đáng chú ý trong một số ngành công nghiệp, bao gồm ô tô, hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Thành phố Mumbai từ trên cao. Ảnh: The Wall Street Journal |
Ngoài ra, theo sáng kiến của ông Modi, năm 2015, tổ chức tư vấn NITI Aayog đã thay thế Ủy ban Kế hoạch. Tổ chức tư vấn quốc gia này cung cấp các tham vấn chiến lược và kỹ thuật cho chính quyền trung ương và các bang. Hoạt động theo nguyên tắc “hợp tác liên bang”, NITI Aayog thúc đẩy cách tiếp cận từ dưới lên trong việc ra các quyết định chính trị, giúp giải quyết một số trở ngại nhất định liên quan đến cơ cấu chính quyền Ấn Độ nhất là với đầu tư nước ngoài. Bằng cách đó, tổ chức này tham gia vào việc triển khai “Sản xuất tại Ấn Độ” với vai trò là nền tảng hợp tác giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, NITI Aayog còn góp phần xây dựng các chính sách chiến lược dài hạn trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, từ đó hỗ trợ các mục tiêu tăng cường sức mạnh của Ấn Độ thông qua kinh tế. Người ta cũng có thể ghi nhận một loạt sáng kiến khác như “Đầu tư Ấn Độ” (Invest India) hoặc chương trình “Khuyến khích liên kết sản xuất”, được triển khai từ năm 2020 để khuyến khích sản xuất tại địa phương các sản phẩm công nghệ cao, bằng cách cung cấp các ưu đãi tài chính cho các công ty đáp ứng một số tiêu chí nhất định.
Ấn Độ trong kỷ nguyên kỹ thuật số
Chính phủ ông Modi đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi số. Ra mắt vào năm 2015, chương trình “Ấn Độ kỹ thuật số” (Digital India) thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Ấn Độ bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối internet ở khu vực nông thôn.
Yếu tố trung tâm của sáng kiến này là “India Stack”, một hạ tầng số ra mắt vào năm 2009, nhưng chỉ thực sự được triển khai từ năm 2016. India Stack cung cấp hàng loạt giao diện lập trình (API- Application Programming Interface) cho phép thiết lập nhận dạng kỹ thuật số, thanh toán điện tử và xác thực tài liệu.
Các API này tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kỹ thuật số và các hoạt động tài chính. Quyết định đột ngột hủy bỏ tiền giấy vào năm 2016 cũng đóng vai trò là chất xúc tác cho việc áp dụng số hóa hàng loạt. Chính phủ cũng đã tận dụng sự kiện này để chống nạn tham nhũng và rửa tiền. Từ đó, nền kinh tế số đã phát triển nhanh chóng và làm giảm cơ hội tham nhũng thông qua việc tăng cường truy xuất nguồn gốc giao dịch tài chính.
Ngoài ra, dự án BharatNet (thay thế Mạng cáp quang quốc gia vào năm 2014) có mục đích kết nối tất cả các khu vực nông thôn của Ấn Độ với mạng Internet tốc độ cao. Dù kết quả vẫn ở mức trung bình nhưng người ta nhận thấy Ấn Độ đang cố gắng theo đuổi một chính sách chủ động trong các vấn đề kinh tế chiến lược của thế kỷ 21.
Đối với các cường quốc mới nổi, Ấn Độ có thể là hình mẫu trong lĩnh vực kỹ thuật số. Cách tiếp cận của Ấn Độ, kết hợp hạ tầng công nghệ tiên tiến và kỹ thuật số quy mô lớn, có thể được áp dụng tại các quốc gia khác đang tìm cách hiện đại hóa nền kinh tế.
Hạ tầng kỹ thuật số Ấn Độ đang bắt đầu thu hút sự chú ý của quốc tế: một số quốc gia có kế hoạch áp dụng mô hình “India Stack” cho hệ thống kỹ thuật số của riêng họ. Việc áp dụng trên toàn cầu củng cố vị thế của Ấn Độ không chỉ với tư cách là nước đi đầu trong chuyển đổi số mà còn là nước xuất khẩu các giải pháp công nghệ tiên tiến, từ đó củng cố ảnh hưởng của nước này trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và quy chuẩn toàn cầu.