Hiện, internet đã bao phủ hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Thương mại điện tử mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến tiền mặt, có thể ngồi một nơi mà thực hiện giao dịch, mua bán ở nhiều nơi khác… Tuy nhiên, một số các đối tượng cũng triệt để lợi dụng các tiện ích mà thương mại điện tử mang lại để hoạt động vi phạm pháp luật với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, trong dịp World Cup 2022.
Cụ thể, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố danh sách các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật (cập nhật Quý IV/2022) – tổng cộng 98 trang. Đây là những trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng...
Một trang web chiếu phim lậu ngập tràn trong quảng cáo cá độ bóng đá mùa World Cup |
Theo Cổng Thông tin điện tử Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 20/7/ 2021, Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo được Chính phủ ban hành. Nghị định có nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Theo quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP thì: "Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông".
Thực hiện quy định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật (cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng …) để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo lưu ý không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử này.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam, vi phạm còn tồn tại và giải pháp cần triển khai trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, sau khi Nghị định 70/NĐ-CP được ban hành, cơ quan quản lý đã thực hiện kiểm tra với 45 tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo và đã xử lý vi phạm hành chính với 15 tổ chức, cá nhân này với số tiền 210 triệu đồng. Đồng thời, kiểm tra 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
Đây là lần thứ ba, kể từ tháng 5/2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã công khai danh sách các trang web có dấu hiệu vi phạm pháp luật.