Đường hành hương từ chân núi lên tới chùa Đồng dài khoảng 5km, nếu đi bộ sẽ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ nên rất nhiều du khách chọn đi cáp treo để tiết kiệm thời gian và sức lực.
Càng lên cao trên đỉnh Yên Tử sương mù càng dày đặc, gió mạnh khiến tầm nhìn bị hạn chế. Có những đoạn đường không đi được cáp treo nên nhiều du khách đã phải trang bị thêm gậy, áo mưa để đi.
|
Dù thời tiết tại chùa Đồng - Yên Tử gió mạnh, sương mù dày đặc nhưng vẫn có rất đông du khách hành hương, đi lễ đầu năm |
Có mặt tại chùa Đồng vào lúc 22 giờ, theo ghi nhận của chúng tôi đã có hàng chục người có mặt tại đây để làm lễ, cầu bình an. Dòng người lên chùa chia thành từng tốp 5-10 người, cầm theo đèn pin, phân chia trưởng đoàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến hành hương lễ Phật.
Chị Lê Thị Lan Anh - đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi chọn đi ban đêm để trải nghiệm đỉnh Phù Vân Yên Tử về đêm, không gian tĩnh lặng. Đi buổi tối còn tránh được cảnh chen lấn, tắc nghẽn vào chính hội, tôi từng bị mắc kẹt trong dòng người chen lấn nên rất mệt mỏi".
Ông Lê Trọng Thanh - Phó Giám đốc Công ty Tùng Lâm (quản lý cáp treo và xe điện tại Yên Tử) - cho biết, do có nhiều du khách lên đỉnh chùa Đồng vào buổi tối nên hệ thống cáp treo được phục vụ 24/24h. Đơn vị cũng bố trí gần 200 nhân viên làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách tại các điểm chùa.
Sức hút của danh thắng Yên Tử lôi cuốn nhiều du khách từ rất xa tìm đến lễ chùa đầu năm. Có những người ở các tỉnh phía Nam như Vũng Tàu, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh không quản ngại đường xa tìm về trong đêm.
Một số hình ảnh được phóng viên ghi lại tại danh thắng Yên Tử:
|
Do quãng đường xa và trời tối nên nhiều du khách đã lựa chọn hình thức di chuyển bằng cáp treo để tiết kiệm thời gian |
|
Du khách đi buổi tối thường đi theo đoàn |
|
Du khách nghỉ chân tại chùa Hoa Hiên |
|
Đi lễ trong đêm đầy sương mù, gió lạnh |
|
Hành trình gian nan lên đỉnh chùa Đồng |
|
Du khách cầu bình an tại tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và chùa Đồng |
|
Dù muộn nhưng vẫn có nhiều cửa hàng túc trực 24/24 để phục vụ du khách |