Phủ sóng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật trên mạng, trách nhiệm thuộc về ai? Cảnh báo hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm |
Tình trạng này trước đó cũng đã xảy ra, theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện cũng nhận được một số thông tin của thân nhân bệnh nhân về việc có nhận được điện thoại của một số người tự xưng là bác sĩ yêu cầu về chương trình hỗ trợ thuốc của Bộ Y tế, hầu hết liên quan đến thực phẩm chức năng với cách thức hết sức tinh vi.
Thậm chí, khi người bệnh hỏi bác sĩ nào chỉ định thì những người này nêu tên bác sĩ đó một cách rành mạch khiến cho người bệnh, thân nhân rất dễ tin tưởng.
Phía Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp với các cơ quan chức năng và rà soát lại quy trình tại bệnh viện, qua đó khẳng định đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế, bác sĩ của bệnh viện nhằm mục đích trục lợi.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, trường hợp có ai đó gọi điện thoại tư vấn về thực phẩm chức năng và nói rằng đây là chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, thân nhân, bệnh nhân nên cảnh giác vì nhiều khả năng đây là những cuộc gọi lừa đảo để trục lợi. Khi nhận những cuộc gọi như thế này, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ điều trị để được tư vấn và chỉ định điều trị.
Theo quy định, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ cung ứng thuốc cho người bệnh khi có chỉ định cần thiết. Trường hợp thuốc hiếm, kho thuốc bệnh viện chưa kịp thời cung ứng, bác sĩ phải giải thích cụ thể để người bệnh kịp thời ra ngoài mua thuốc.
"Tất cả các chương trình hỗ trợ thuốc từ Bộ Y tế đều là bệnh viện trực tiếp thực hiện, không có mô hình công ty bên ngoài gửi thuốc về nhà cho người bệnh", - đại diện lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Y Dược TP.HCM cho biết, một số cá nhân cũng đã mạo danh, sử dụng đầu số điện thoại lạ, tự nhận là bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để tư vấn sức khỏe, khuyến cáo người bệnh không đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài bệnh viện để được giảm giá 50%, hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để bác sĩ mua thuốc và gửi về nhà cho người bệnh.
Theo đại diện bệnh viện, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và rà soát lại tất cả quy trình tại bệnh viện, bệnh viện khẳng định đây là trường hợp lừa đảo, giả mạo nhân viên y tế nhằm mục đích trục lợi.
Bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân và người nhà cảnh giác các hành vi lừa đảo, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và kinh tế.
Hiện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vẫn tổ chức khám bệnh cho người ngoại trú, thời gian tiếp nhận làm thủ tục vào 3h từ thứ 2 đến thứ 7.
Nhân viên y tế của khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược không sử dụng số điện thoại cá nhân, chỉ sử dụng số điện thoại cố định tại các phòng khám chuyên khoa để tư vấn về tình trạng bệnh, tình hình sử dụng thuốc và nhắc lịch tái khám. Nhân viên bệnh viện không tư vấn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để mua thuốc cho người bệnh hoặc hướng dẫn người bệnh đến nhà thuốc ngoài bệnh viện mua để được giảm giá...
Nếu nghi ngờ có bất thường, người bệnh nên liên hệ ngay đến Bộ phận Chăm sóc khách hàng 1900 7178 (trong giờ hành chính) hoặc số điện thoại tổng đài bệnh viện (028) 3855 4269 (24/7) để được hỗ trợ.
Ngoài ra, người bệnh, người nhà nên chủ động lưu số điện thoại của bệnh viện và số điện thoại phòng khám chuyên khoa mình đã đến khám được in trên toa thuốc, tiếp nhận thông tin từ kênh truyền thông chính thống của bệnh viện.