Thời gian gần đây, câu chuyện giáo viên xin nghỉ việc vẫn chưa có dấu hiệu giảm, làm cho hiện tượng thiếu giáo viên càng được dư luận quan tâm bàn luận.
Mới đây, 17 cán bộ, giảng viên của trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam đã gửi thông báo quyết định ngừng việc tập thể đến lãnh đạo nhà trường. Các cán bộ này thuộc Khoa Điều dưỡng và Khoa Y tế cơ sở của trường. Thông báo ngừng việc bắt đầu từ ngày 18/12.
Lý do được những cán bộ, giảng viên này đưa ra là nhà trường đã không thanh toán tiền lương và phụ cấp cho họ trong 6 tháng, tính từ tháng 7/2023 đến nay. Trong thời gian nợ lương này, vì không muốn ảnh hưởng đến việc học của sinh viên nên các cán bộ, giảng viên vẫn đến trường làm việc.
Đến nay, thời gian nợ lương kéo dài, đời sống nhiều cán bộ giảng viên rơi vào cảnh rất khó khăn, không thể tiếp tục công việc. Từ đó, tập thể khoa đã họp và thống nhất đi tới quyết định ngừng việc tập thể từ ngày 18/12 đến khi nhà trường giải quyết chế độ lương và phụ cấp.
Làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn chưa dừng lại - Ảnh minh họa |
Việc ngừng hoạt động giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến 6 lớp tại Khoa Điều dưỡng gồm D17A, D17B, D18A, D18B, Y26, D6S. Các học phần ảnh hưởng là Vận động nội tiết, Tâm lý - kỹ năng giao tiếp, thực hành tại trường, thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam…
Trước đó, tại Thừa Thiên Huế, ngay trước năm học mới 2023-2024, toàn tỉnh có 127 giáo viên nghỉ việc. Đa số giáo viên nghỉ việc là giáo viên khối mầm non và tiểu học. Nguyên nhân do áp lực công việc, thu nhập không ổn định, một số giáo viên khác nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân.
Thực tế, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua. Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi. Trong khi đó, việc tuyển mới là rất khó khăn, có nhiều người không tham gia dự tuyển, thậm chí có người khi trúng tuyển tại các khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước vẫn thiếu 127.583 người. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Việc chật vật với chuyện “cơm áo gạo tiền”, không ít các thầy cô đã từ bỏ con đường dạy học để rẽ nhánh sang hướng đi khác. Và thay vì đến lớp dạy học thì nay các thầy cô lại bươn chải với các công việc làm thêm, thậm chí có thầy cô còn xuất khẩu lao động sang nước ngoài.
Việc giáo viên nghỉ việc, chuyển việc nếu nhiều quá sẽ trở thành một trào lưu. Điều này sẽ vô tình tạo ra tinh thần tiêu cực tới đội ngũ giáo viên đang làm nghề. Chính vì thế phải có những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này. Cần tạo ra nguồn động lực để thầy cô được sống và cống hiến với nghề.
Ngoài việc tăng lương như mong đợi của các giáo viên hiện nay, phải cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên.
Giáo viên sẽ thực sự hạnh phúc và gắn bó với nghề nếu như công việc của họ được quan tâm. Tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để giáo viên có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải nhằm tìm tiếng nói chung, chia sẻ áp lực từ tập thể, các cấp lãnh đạo.