Từ khoảng cuối năm 2016 đến nay, thị trường OTC sôi động hơn hẳn nhờ nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có tên tuổi, quy mô lớn, hấp dẫn lần lượt công bố kế hoạch niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Những cái tên như SAB, ACV, PLX, HVN, NVL, VJC… lần lượt niêm yết và đa phần các cổ phiếu này ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về giá.
Thực tế này giúp các nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền cho các giao dịch “mua sớm” ở các thương vụ đi sau. Con sóng OTC được duy trì và tạo sức hút không kém so với các sàn giao dịch chứng khoán tập trung. Gây ấn tượng với thị trường là cổ phiếu VPB, VRE...
Sau thời gian tạm tĩnh lặng, sàn OTC tiếp tục náo nhiệt khi các “thương vụ của năm 2018” lần lượt khởi chạy. Nổi bật nhất cho đến thời điểm hiện tại là Techcombank, Vinhomes, Cenland, Hải Phát invest… khi các doanh nghiệp này lần lượt hé lộ thời điểm niêm yết.
Đây là những doanh nghiệp có vị thế nhất định trong ngành kinh doanh, có tiềm năng tăng trưởng và đều có bóng dáng các nhà đầu tư ngoại tham gia, giữ lượng lớn cổ phiếu. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng có sự chuẩn bị kỹ càng cho ngày lên sàn khi thương vụ IPO hoặc niêm yết thường được tư vấn bởi tổ hợp vài tổ chức tài chính trung gian có tiếng trong và ngoài nước.
Đầu năm 2018, HDBank (HDB) đưa gần 981 triệu cổ phiếu lên sàn HOSE với giá tham chiếu 33.000 đồng/cổ phiếu. Đây là nhà băng đầu tiên “xông đất” HOSE, mở màn cho làn sóng niêm yết ngân hàng với vốn hóa tỷ USD ngay khi lên sàn.
Giá trị vốn hóa của HDB tính theo giá tham chiếu đạt gần 32.400 tỷ đồng, tương đương 1,43 tỷ USD và đứng trong Top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE. Trước đó, HDB có đợt chào bán cổ phần (IPO) thành công, quy mô lớn thứ 2 lịch sử ngân hàng Việt Nam (tính đến cuối năm 2017) khi 76 nhà đầu tư đã chi 300 triệu USD để mua 21,5% cổ phần.
Một năm trước khi niêm yết, giá cổ phiếu HDB trên sàn OTC đã bắt đầu dậy sóng. Từ mức mệnh giá, HDB tăng gấp 3 lần, lên 30.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu. Lên sàn, HDB giữ được nhịp của giá, đóng cửa phiên 9/5 là 42.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 30% so với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên.
Hiện tượng HDB khiến nhiều người “say mê” tìm hiểu chuyện lên sàn của Techcombank. Ngân hàng này thông báo, ngày 11/5/2018 là ngày chốt danh sách cổ đông, lập sổ đăng ký người sở hữu chứng khoán để lên sàn HOSE.
Cuối tháng 4 vừa qua, Techcombank công bố chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, với giá 128.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, Techcombank huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (khoảng 922 triệu USD), tương đương vốn hóa thị trường đạt 6,5 tỷ USD.
Thực tế, cổ phiếu của Techcombank đã được dòng tiền chú ý từ cuối năm 2016. Giá cổ phiếu ban đầu được chào mua/bán chỉ loanh quanh 10.000 đồng/cổ phiếu, rồi tăng lên 20.000 đồng/cổ phiếu. Cuối năm 2017, cổ phiếu Techcombank được giao dịch ở mức 50.000 đồng/cổ phiếu, có lúc lên 60.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 4 - 5 lần sau 1 năm.
Theo các nhà môi giới kinh nghiệm, đa số những thương vụ lớn và tạo được sức hút lại khá khan hiếm nguồn cung. Cũng có quan điểm ngược lại, vì khan hiếm nguồn cung khiến tạo nên sức hút tìm kiếm cổ phiếu, đẩy giá tăng nhanh, thậm chí tăng theo tin đồn đoán.
Quý I/2018, cổ phiếu Techcombank từng được ghi nhận có giá 95.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu trong các giao dịch tự do. Hiện sàn OTC có các lời chào bán mã này quanh vùng 113.000 - 120.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cũng khá sát so với giá mà Techcombank chào bán cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã công bố.
Tuần qua, sàn OTC “sôi sùng sục” trước thông tin về ngày niêm yết của Vinhomes (VHM). Mã này được ghi nhận chào giá quanh 125.000 - 132.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nhiều nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi thông tin mới và các tài liệu liên quan đến việc chào sàn như bản cáo bạch, tóm tắt thông tin…
Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã có thông báo mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% và trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20/4/2018. Trước đó, theo các phương tiện truyền thông, GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án.
Như vậy, chỉ tính riêng 2 thương vụ trên, khối ngoại đã rót khoảng hơn 2 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cenland), theo kế hoạch, trong quý II/2018, cổ phiếu của Công ty sẽ được niêm yết. Cenland được biết đến là đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu trên thị trường. Công ty đã công bố phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng và chào bán cho cổ đông chiến lược là Dragon Capital và VinaCapital.
Theo tin từ Dealstreetasia, VinaCapital đã đầu tư 10 triệu USD vào Cenland, tương ứng tỷ lệ sở hữu 12%. Dragon Capital thì rót 11 triệu USD để sở hữu 13% Cenland. Cổ phiếu Cenland trên thị trường OTC đang được giao dịch trong khoảng 48.000 - 50.500 đồng/cổ phiếu.
Cùng trong ngành bất động sản, Công ty cổ phần Hải Phát Invest có kế hoạch niêm yết trong nửa đầu năm 2018. Hải Phát Invest có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Cuối năm 2017, Công ty đã ký kết hợp đồng đầu tư với Dragon Capital, theo đó, Dragon Capital trở thành cổ đông chiến lược của Công ty với tỷ lệ sở hữu 15%. Giá cổ phiếu của Hải Phát Invest trên thị trường OTC hiện từ 28.800 - 30.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi sàn niêm yết gần đây có diễn biến giảm mạnh thì sàn OTC lại có phản ứng ngược, sôi sục săn tìm cổ phiếu lớn sắp lên sàn. Tuy nhiên, bên cạnh một số thương vụ giao dịch tiền triệu, tiền tỷ USD giữa các nhà đầu tư lớn đã được công bố, thì sự sôi sục trên sàn OTC là những ghi nhận bên lề, chưa được xác thực. Sàn OTC là sàn tự do, không ai quản lý, giá chào mua, chào bán không có bên giám sát, nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những lời chào.