Hàng gian, hàng giả vào mùa
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách 7.666 tỷ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 380 vụ (giảm 76,47 % so với cùng kỳ năm 2021), 472 đối tượng (giảm 78,03% so với cùng kỳ năm 2021).
Thực tế cho thấy, cuối năm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, lợi dụng vấn đề này một số đối tượng tăng cường buôn lậu, sản xuất hàng nhái thương hiệu.
Mới đây, ngày 6/10, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, đùi lợn, chân gà, dê nguyên con và nhiều đùi lợn muối kiểu Tây Ban Nha… đang thịnh hành hiện nay. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng đã 2 năm, đang chờ dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường.
Ông Bùi Thanh Hào, Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như chưa xuất trình được các giấy tờ kiểm định chất lượng của lô hàng. Số hàng trên của nhiều chủ hàng khác nhau tập kết tại đây.
Tình trạng hàng gian, hàng giả có chiều hướng gia tăng vào dịp cuối năm |
Trước đó, ngày 28/9/2022, Quản lý thị trường Hà Giang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh của ông Lê Văn Thuận (địa chỉ tổ 7 thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) về kinh doanh rau củ quả.
Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 40 thùng có trọng lượng 460 kilogam (cả bì) gồm một số loại hoa quả: lê, táo, nho, lựu. Tất cả các thùng hoa quả này còn nguyên bao bì. Trên nhãn hàng hóa, vỏ bọc quả bằng giấy, bao ni lon đều có in chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ, không có xuất xứ nước sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là ông Lê Văn Thuận không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Qua đấu tranh, ông Lê Văn Thuận khai nhận số hàng hóa trên là mua của đối tượng bán rong, trôi nổi trên thị trường, không biết nguồn gốc xuất xứ.
Mở đợt cao điểm
Dự báo, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến cuối năm có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giảm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không…
Theo các chuyên gia chống buôn lậu, hàng giả, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi nên những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần việc buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả sẽ diễn ra phức tạp. Vì vậy chống buôn lậu, gian lận thương mại càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung kiểm tra các điểm "nóng" của lực lượng chức năng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, trước thực tế đang diễn ra sự gia tăng tội phạm gian lận thương mại, tội phạm rửa tiền, sản xuất và lưu hành tiền giả, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả... Tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các bên để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm... để có biện pháp phòng, chống hữu hiệu.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, địa phương tiếp tục duy trì các tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới, kiên quyết đấu tranh không để phát sinh điểm nóng gây bức xúc dư luận xã hội.
Xác định địa bàn thành phố là nơi các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, các đầu nậu hàng gian, hàng giả tập kết hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết: Để xử lý vấn đề này, UBND thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc có tính chất phức tạp, nguy hiểm, nhằm răn đe, trấn áp tội phạm.
"Thành phố tập trung phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nguy cơ, hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền chất cũng như các chất ma túy qua các tuyến trọng điểm như sân bay, bưu điện. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả", bà Phan Thị Thắng nói.
Theo các chuyên gia, nhiều năm qua, cuộc chiến chống hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng được các lực lượng chức năng nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, để thêm phần hiệu quả, rất cần sự kiên quyết bài trừ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái... của người dân, cũng như sự chủ động tố giác vi phạm của chính các cơ sở kinh doanh... Khi đó, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái... mới có thể được đẩy lùi.