Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nói với BBC-Brasil, thu hoạch nông nghiệp ở nhiều vùng đang có nguy cơ mất trắng và thậm chí nhiều loại cây nông nghiệp có sức chịu hạn cao như mía và các giống ngũ cốc lai tạo khác cũng không trụ được với thời tiết nắng nóng khủng khiếp bất thường kéo dài trên diện rộng.
Theo nhận xét người điều hành FAO, giá phần lớn các loại ngũ cốc sẽ tăng trong một vài tháng tới, gây áp lực lớn lên lạm phát ở quê ông, dự kiến sẽ ở mức 7%. Ông khuyến nghị, để đảm bảo cung cấp lương thực trong dài hạn cần phải có khối lượng dự trữ đủ lớn để đề phòng trường hợp thiên tai khốc liệt bất thường xẩy ra gây thất thu cho mùa vụ và cần phải nghiên cứu để tạo ra các giống ngũ cốc thích nghi được với biến đổi khí hậu, hoặc thay thế bằng các loại cây lương thực khác chịu hạn tốt hơn, ví dụ như việc phát triển cây diêm mạch thay cho cây lúa gạo, vì diêm mạch cần lượng nước ít hơn rất nhiều so với lúa và tỉ lệ dinh dưỡng cũng cao hơn, đồng thời khôi phục lại các loại cây truyền thống lâu đời như việc các nước Trung Mỹ đã khôi phục lại việc trồng sắn cho năng suất cao và chịu hạn rất tốt. Người dân ở vùng này đã trộn bột sắn với bột mì để làm bánh, hạn chế được sự phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì
Ông cho biết thêm, tình hình hạn hán nghiêm trọng trước đây thường lặp lại sau 100 năm, còn hiện nay là 20 năm. Do vậy, các nước cần phải thích nghi với biến đổi khí hậu bằng cách đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, đặc biệt là trong nông nghiệp, đồng thời tiến hành thực hiện kế hoạch hóa dài hạn trong phát triển nông nghiệp. Ông cho rằng tình hình nghiêm trọng xẩy ra ở Sao Paulo do hạn hán có thể tránh được bằng việc áp dụng công nghệ.